Tranh cãi quanh việc giải thể hay không giữa các cổ đông lớn của Cáp Sài Gòn tốn không ít giấy mực của báo chí

Tranh cãi quanh việc giải thể hay không giữa các cổ đông lớn của Cáp Sài Gòn tốn không ít giấy mực của báo chí

Để doanh nghiệp bớt “lỗ hổng”

(ĐTCK) Năm 2012 chỉ mới đi được nửa chặng đường nhưng đã cho thấy, đây là năm của nhiều biến động về hoạt động của các doanh nghiệp.

TTCK đã chứng kiến một loạt sự kiện làm nóng các mặt báo như tranh chấp về quyền lợi hay quyền lực tại Descon, Sudico, Cáp Sài Gòn, Mekophar, CTCK SBS... và cũng tốn không ít giấy mực với các câu chuyện về sử dụng vốn sai mục đích, đầu tư dàn trải, bán tài sản ở nhiều DN.

Đúng là khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bất ổn vĩ mô trong nước đã ít nhiều khiến nội tình của DN trở nên rối ren. Song chính sự non yếu về chiến lược, kỹ năng và kinh nghiệm quản trị rủi ro là một trong những “chân trong” hậu thuẫn cho những điều kiện bất lợi bên ngoài xâm lấn DN.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhận định, các khuyết điểm trong quản trị rủi ro là nguyên nhân khiến nhiều DN không đo lường được mức độ ảnh hưởng của môi trường hoạt động đến hiệu quả kinh doanh, dẫn đến những hậu quả tiêu cực như suy giảm lợi nhuận, mất khả năng thanh toán...

Trên thực tế, cuộc khảo sát mới đây của UBCK và Công ty TNHH Ernst &Young Việt Nam đã chỉ ra, các DN ngày càng coi trọng công tác quản trị rủi ro. Cụ thể, 59% trong số 155 DN tham gia khảo sát cho biết, đã có định hướng rõ rệt về công tác quản trị rủi ro trong DN. Thậm chí, một số DN thuộc lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng còn xây dựng được cơ chế quản trị rủi ro chính thức.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc Ernst &Young Việt Nam, phần lớn các DN chưa biết cách quản trị rủi ro bài bản, cũng như chưa có phương pháp quản trị rủi ro. Nghĩa là DN đã nhận thức được quản trị rủi ro sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rõ rệt và tăng mức độ thành công của các quyết định; DN cũng đã biết tiến hành kiểm tra, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động thường nhật, nhưng một hệ thống quản trị rủi ro DN có tính liên kết, tạo ra giá trị thì chưa nhiều DN thực hiện được.

Theo UBCK, thực trạng đó xuất phát từ chỗ DN chưa thống nhất và đồng bộ trong phân công, phân nhiệm rõ vai trò và trách nhiệm của người quản lý, cá nhân trong nhận diện và quản trị rủi ro. Lãnh đạo DN cũng chưa minh bạch trong cập nhật thông tin về rủi ro DN đến nội bộ công ty. Đặc biệt, văn hóa quản trị rủi ro chưa được hình thành xuyên suốt tại DN.

Những hướng dẫn về kỹ thuật, các khóa đào tạo có thể giúp DN có được hiểu biết đúng đắn về quản trị rủi ro, giúp DN biết mình đang gặp rủi ro gì và mức độ chấp nhận rủi ro ra sao. Nhưng chỉ ban điều hành ở DN, với sự cởi mở thực sự, mới có thể giúp cho việc nhận thức và quản trị rủi ro đến được sâu rộng và đồng bộ trong mọi tầng lớp, nhân viên công ty. Chỉ khi đó, hoạt động quản trị rủi ro mới bài bản và đem lại hiệu quả như mong muốn.

Môi trường kinh doanh khó khăn hiện nay đã, đang và sẽ buộc không ít DN phải trả giá đắt cho sự yếu kém về năng lực quản trị rủi ro của mình. Nhưng đó là quy luật. Từ đây, các chủ DN sẽ thấu hiểu được tầm quan trọng của hoạt động quản trị rủi ro, qua đó có sự chuẩn bị thực chất hơn, kỹ lưỡng và bài bản hơn để sẵn sàng đương đầu với những sóng gió khác trên thương trường.