Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn bộ trưởng: "Đề án dạy học ngoại ngữ đưa ra mục tiêu là đến năm 2020 là đa số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng có trình độ ngoại ngữ tốt, đáp ứng yêu cầu làm việc, giao tiếp. Nhưng đến nay sau gần 8 năm thực hiện, đã tiêu tốn 5.000 tỷ đồng, nhưng nhiều mục tiêu chưa đạt được như mong muốn".
"Với nhiều hạn chế và bốn nhóm giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu, Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đó thì dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không? Hay số phận của nó cũng giống như 5 dự án không đạt hiệu quả mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này?".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đáp: “Đại biểu hỏi đề án này có đạt mục tiêu không, tôi trả lời ngay là không! Vì dạy và học ngoại ngữ có tính chất lâu dài, đây là nhiệm vụ không chỉ trước kia, bây giờ mà còn tiếp tục liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Để đạt mục tiêu như đề án mong muốn cần thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng đề án đưa ra lộ trình và quyết tâm cao, nhưng thực hiện gặp vấn đề về chuẩn bị, thời gian, kinh phí, nhưng chúng tôi nhận trách nhiệm, là khi xây dựng đề án phải hết sức thiết thực, khả thi, bám sát thực hiện".
Theo Bộ trưởng, khi xây dựng đề án thì Bộ đặt quyết tâm cao, nhưng khi thực hiện thì cũng gặp nhiều vấn đề, trong đó có việc triển khai, rồi kinh phí. Gần đây Bộ đã tiến hành rà soát, trước hết là về mặt cách tiếp cận, sau đó rồi mới đến mục tiêu.
Vì vậy đề án Đề án tập trung đến khắc phục những vấn đề khó nhất của từng tổ chức, cá nhân. Theo đó, chương trình nội dung phải thống nhất, biên soạn hệ thống, trong đó tính hội nhập quóc tế chứ không phải biên soạn theo năng lực các thầy các cô. Tập trung đào tạo cho giáo viên, vì trước đây khâu này chưa chuẩn bị kỹ nên khi thực hiện gặp khó khăn.
Đại biểu hỏi đề án này có đạt mục tiêu không, tôi trả lời ngay là không!
Phương thức để tổ chức giảng dạy không nhất thiết phải có bằng cấp mà ai cũng có quyền và được hưởng thành quả hội nhập, được học. Do đó, phương thức được thiết kế phù hợp, đặc biệt nhấn mạnh xã hội hoá, là tâm điểm tạo ra môi trường, động lực. Với cách tiếp cận đó đã điều chỉnh lại và sắp tới trình Chính phủ. Cũng cần thấy rằng giai đoạn đầu thực hiện đề án đã đạt được nhiều kết quả.
"Thời gian vừa qua chúng ta chưa xem trọng đúng mức công tác đào tạo thầy cô dạy ngoại ngữ. Chúng tôi đang điều chỉnh đề án theo hướng như vậy, tới đây sẽ trình Chính phủ quyết định. Chúng tôi nhấn mạnh đến yếu tố xã hội học tập, học tập suốt đời, cho mọi người dân, chứ không chỉ là dạy cho sinh viên",
"Thưa Quốc hội là với Singapore, Malaysia thì họ mất 38 năm để đạt trình độ trung bình cả nước có thể giao tiếp tiếng Anh. Muốn dạy học sinh tốt, có trình độ tốt, thì phải có đội ngũ giảng viên, giáo viên trình độ cao", Bộ trưởng nói.
Bộ nhận trách nhiệm khi để 191.000 sinh viên thất nghiệp
Đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) dẫn con số hơn 191.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp không có việc làm, trong khi các địa phương vẫn đang tồn tại trường trung cấp, cao đẳng avfvẫn đào tạo nhờ ngân sách.
"Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để tránh lãng phí kinh phí và nguồn lực được đào tạo, có nên duy trì cách thức đào tạo hiện nay?", đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không phải sinh viên nào ra cũng có việc làm. Ngay ở Đại học Harvad của Mỹ cũng vậy, cũng có nhiều cử nhân, kỹ sư thất nghiệp. Cử nhân học xong muốn được tuyển dụng, có việc làm cần qua quá trình thực tế, tuy nhiên, nội dung kiến thức kỹ năng nhà trường hết sức quan trọng để sinh viên ra trường không phải đào tạo lại, gây lãng phí.
"Hiện 80% sinh viên ra trường có việc làm. Số sinh viên có việc làm ngay thì rơi vào nhóm trường cấp trên, có bề dày, có kinh nghiệm, thương hiệu và uy tín đào tạo. Còn phần lớn không có việc làm, phần lớn sinh viên này tập trung ở những trường mới thành lập, chất lượng yếu", Bộ trưởng cho biết.
Về giải pháp khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nâng cao chất lượng giáo dục đại học, áp dụng chuẩn với trường và ngành để hỗ trợ trường yếu kém theo hướng trở thành trường thành viên của trường lớn, hoặc phân viện...Bộ đã làm việc với VCCI, với các doanh nghiệp để đào tạo bổ sung.
Bộ trưởng cũng cho hay, chỉ riêng ngành sư phạm hiện đã thừa nhiều cử nhân sư phạm, khoảng 70.000 người, Bộ sẽ cố gắng đào tạo bổ sung đêt sử dụng số giáo viên theo chuẩn, tránh lãng phí, để giáo viên theo nghề.
"Xưa nay chúng ta quan tâm quá nhiều đầu vào nhưng quan trọng là đào tạo và đầu ra. Vừa qua Bộ đã yêu cầu báo cáo sinh viên tốt nghiệp có tỷ lệ việc làm là bao nhiêu. Tới đây, trường nào không báo cáo, báo cáo không đúng hoặc có việc làm không cao thì sẽ hạn chế đào tạo của những trường này. Còn về những nguyên nhân khác cần bộ ngành, địa phương có giải pháp về sử dụng lượng cử nhân này", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, tới đây sẽ có các giải pháp, trong đó có học bổng với sinh viên là người dân tộc thiểu số học giỏi tự thi vào Đại học và sau Đại học. Bộ sẽ đề nghị các trường miễn học phí cho những đối tượng ưu tiên này. Hiện có nhiều quỹ học bổng thì có hỗ trợ. Còn chính sách chế độ trên mặt bằng chung.
"Số sinh viên này không nhiều nhưng là hạt nhân để sau này quay về phục vụ địa phương", Bộ trưởng cho biết.
Đối với phần trả lời này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) giơ bảng truy vấn và nói: "Tôi muốn hỏi trong số 191.000 sinh viên thất nghiệp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có lỗi gì không? Cần phải mạnh dạn trả lời câu hỏi này. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong quy hoạch, định hướng đào tạo nhân lực như thế nào?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đáp: "Đúng là thời gian qua sự phối hợp giữa hai bộ còn hạn chế. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn. Về chất lượng đào tạo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm. Cho dù chất lượng còn liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều yếu tố. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh gì".