Năm 2020, doanh thu của TNG ước tính tăng trưởng khoảng 2% so với 2019

Năm 2020, doanh thu của TNG ước tính tăng trưởng khoảng 2% so với 2019

Đẩy mạnh xuất khẩu, đường dưới chân doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bối cảnh kinh doanh đặc biệt trong năm 2020 cho thấy, nếu có bản lĩnh, sự linh hoạt, sáng tạo, doanh nghiệp vẫn tiến về phía trước.

Những con số ấn tượng

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt gần 255 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị xuất siêu đạt hơn 20 tỷ USD. Đây là một nỗ lực rất đáng ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh doanh khó khăn chưa từng có, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Rau quả, tôm, cá, gỗ, dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại… vẫn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy sản, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đóng góp 37,4 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 16,76 tỷ USD, giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 297 triệu USD, giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 7,75 tỷ USD.

Đáng chú ý, mặt hàng nông sản và thủy sản xuất khẩu sụt giảm nhẹ, khoảng 0,5 - 0,9%, trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản tăng 15% so với năm ngoái, tổng giá trị ước đạt 11,65 tỷ USD.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt gần 255 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị xuất siêu đạt hơn 20 tỷ USD

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, thị trường Mỹ đóng góp 26,2%, giá trị tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường Trung Quốc đóng góp 24,6%, giá trị xuất khẩu giảm 6,6% so với cùng kỳ.

Thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có tỷ trọng thấp hơn, lần lượt là 8,3% và 5,65%, giảm nhẹ về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản 11 tháng đầu năm 2020 đạt gần 7,75 tỷ USD. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Anh tăng hơn 25% trong 10 tháng đầu năm 2020.

Xuất khẩu gỗ tăng mạnh trong năm, mặt hàng gỗ có thể đem về 12,5 tỷ USD trong năm 2020.

Ngành dệt may, ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt hơn 35 tỷ USD, không được như mục tiêu đề ra 42 tỷ USD, nhưng theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, điểm tích cực là thị phần dệt may của Việt Nam có nhiều thay đổi. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Mỹ (chiếm 11,8% thị phần), thứ 6 vào châu Âu và thứ hai vào Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đường ở dưới chân

Ở thời điểm dịch bệnh mới bùng phát trên toàn cầu, ngành dệt may được nhận định chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (TNG), lãnh đạo Công ty từng chia sẻ, các đơn hàng đã ký được đình lại chưa giao ngay. Nhưng mới đây, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG cho biết, Công ty vẫn giữ được khách hàng lớn ở các thị trường như Mỹ, EU, Nga…

Một khách hàng lớn tại Pháp chỉ dừng đơn hàng 1 tuần, sau đó nhập khẩu trở lại bình thường. Một số khách tại EU, Mỹ có sụt giảm về số lượng đặt hàng. TNG đã linh hoạt thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu mùa dịch như sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, sản xuất đồ bảo hộ y tế xuất sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…, góp phần đóng góp 10% doanh thu trong cơ cấu tổng doanh thu của TNG. Nhờ đó, Công ty tăng trưởng vẫn tăng trưởng nhẹ về doanh thu, khoảng 2%.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của TNG trong năm qua sụt giảm. Nguyên nhân được ông Thời giải thích là Công ty chia sẻ khó khăn với khách hàng, giảm giá bán sản phẩm, trong khi phải chi thêm 30 - 40 tỷ đồng để tăng lương tối thiểu cho công nhân.

Ông Thời tiết lộ, hiện đơn đặt hàng tại TNG đã xếp đến tháng 6/2021. TNG vừa ký một đơn hàng lớn với Samsung có giá trị lớn.

Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, nên biến động từ nhu cầu tiêu dùng trên thế giới ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. 2021 được dự báo tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thách thức với các doanh nghiệp ngành may.

Theo số liệu từ Bloomberg, tỷ lệ thất nghiệp ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ đều tăng mạnh. Nguồn thu nhập và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng thúc đẩy khuynh hướng thu hẹp đáng kể nhu cầu mua sắm các mặt hàng không thiết yếu và tập trung vào mặt hàng thiết yếu và tiết kiệm.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2021 chỉ đạt khoảng 39 tỷ USD. Các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để đối diện với thách thức và tìm cách tăng trưởng đơn hàng.

Tại TNG, ông Thời cho biết, Công ty sẽ tiếp tục duy trì sản lượng như năm 2020, đồng thời duy trì biên lợi nhuận. TNG vẫn đi theo định hướng chiến lược của mình là tập trung phục vụ tốt các khách hàng lớn.

Chủ động tìm kiếm đối tác là cách các thành viên của Hiệp hội Dệt may Việt Nam triển khai tích cực trong thời gian qua. Theo ông Giang, Hiệp hội đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hình thành chuỗi cung ứng. Đồng thời, Hiệp hội tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tiến tới mục tiêu xa hơn, ngành dệt may đặt kế hoạch sẽ đem về 55 tỷ USD giá trị xuất khẩu trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 9,4%.

Trong ngành gỗ, Công ty cổ phần Gỗ Đức Thành (mã chứng khoán GDT) - doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng – vừa có một năm tích cực. Doanh thu ước đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2019, vượt kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Theo thông tin từ Gỗ Đức Thành, Công ty vừa đàm phán thành công hợp đồng cung cấp các loại bàn ghế trẻ em cho một khách hàng lớn ở Mỹ có trị giá hơn 300.000 USD. Nếu lô hàng này đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ thì đơn hàng đặt thêm có thể lên tới 3 triệu USD. Công ty đã đầu tư thêm 14.000 m2 nhà xưởng tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để phục vụ cho kế hoạch mở rộng xuất khẩu.

Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF) cũng có những tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu khi liên tục có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ. TTF đưa vào hoạt động nhà máy thứ tư trong năm 2020.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được ví như đường cao tốc đưa hàng hóa của Việt Nam sang các nước nhanh hơn. Dẫu vậy, qua khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số doanh nghiệp hiểu biết rõ về các cam kết trong các FTA của Việt Nam còn tương đối hạn chế. Bên cạnh sự chưa chủ động của một bộ phận doanh nghiệp, một trong những lý do chính là việc các doanh nghiệp chưa có công cụ tiếp cận.

Để tận dụng triệt để cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng thuận tiện hơn, ngày 23/12 vừa qua, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Australia xây dựng Cổng thông tin điện tử về Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam (FTAP).

Cổng thông tin sẽ cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến thông minh cho cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm đối với cam kết của tất cả các FTA mà Việt Nam tham gia, bao gồm các cam kết về thuế, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư, cũng như các thông tin cần thiết khác cho quá trình giao thương của doanh nghiệp như tình hình thị trường, các quy định về xuất nhập khẩu, phát triển bền vững.

Xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài không dễ dàng nếu không có chiến lược kinh doanh sáng tạo, linh hoạt và thực sự hiểu khách hàng để đáp ứng được đúng nhu cầu của họ.

Tận dụng các cơ hội từ chính sách thôi chưa đủ, doanh nghiệp còn phải chủ động tiếp cận để hiểu thực sự nhu cầu của khách để đáp ứng. Như Chủ tịch TNG chia sẻ, “chúng tôi chủ động chia sẻ lợi nhuận với khách hàng trong tình hình dịch bệnh phức tạp, giảm giá 1 - 2% trên tổng doanh thu để cùng nhau vượt qua giai đoạn này”.

Tin bài liên quan