Sự phát triển của thiết bị thông minh sẽ đẩy nhanh tiến trình không tiền mặt trong thanh toán.

Sự phát triển của thiết bị thông minh sẽ đẩy nhanh tiến trình không tiền mặt trong thanh toán.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt: Khó, mà không khó

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo TS. Ngô Tấn Vũ Khanh, Giám đốc Chương trình cao học IDT, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, đại dịch Covid-19 có thể nói là thách thức rất lớn cho sự phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng đây cũng là cơ hội bứt phá mạnh mẽ của thị trường Fintech nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng.

2020 là năm có nhiều cơ hội mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, đây có phải là tiền đề cho các năm tới?

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động. Còn theo số liệu của Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi các giao dịch qua internet, điện thoại di động tăng tới 238% về giá trị.

Đại dịch Covid-19 có thể nói là thách thức rất lớn cho sự phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhưng đây cũng là cơ hội bứt phá mạnh mẽ của thị trường Fintech nói chung và thanh toán không tiền mặt nói riêng.

Ngày càng có nhiều ông lớn tham gia lĩnh vực này tại Việt Nam và do đó, không có gì bất ngờ nếu 2021 là một năm tăng trưởng mạnh của thị trường này.

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã thúc đẩy thanh toán điện tử. Liệu đây có phải là lúc Việt Nam cần thêm giải pháp để hướng tới nền kinh tế không tiền mặt?

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu: Phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%, đến cuối năm 2025 ở mức dưới 8%.

Đây là lúc mà thị trường cần thêm những cú hích về chính sách lẫn công nghệ thanh toán mới từ các công ty Fintech để lấy đà mạnh mẽ cho năm 2021 nói riêng và kế hoạch 5-10 năm sắp tới.

Đây là mục tiêu đầy thách thức, nhưng cơ hội vẫn luôn tồn tại. Hiện là lúc mà thị trường cần thêm những cú hích cả về chính sách lẫn công nghệ thanh toán mới từ các công ty Fintech để lấy đà mạnh mẽ cho năm 2021 nói riêng và kế hoạch 5-10 năm sắp tới.

Đối với quản lý nhà nước, mau chóng hoàn thiện cơ chế thử nghiệm sandbox và sân chơi đổi mới sáng tạo lĩnh vực Fintech là giải pháp cần thiết nhất hiện nay để thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho hệ sinh thái xoay quanh thanh toán không tiền mặt.

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích dùng tiền mặt hơn. Theo ông, cần thêm các giải pháp nào để dần thay đổi thói quen của người dân?

TS. Ngô Tấn Vũ Khanh.

TS. Ngô Tấn Vũ Khanh.

Theo thống kê của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt, 98% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

Nguyên nhân lớn đến từ thói quen đã lâu khi mọi giao dịch đều sử dụng tiền mặt, e ngại công nghệ mới trong thanh toán; thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn “nuông chiều” khách hàng bằng giải pháp COD (nhận tiền khi giao hàng); an toàn bảo mật trong thanh toán ở Việt Nam không được đánh giá cao.

Thực tế, Việt Nam thường nằm trong nhóm các quốc gia bị đánh giá kém về bảo mật và an toàn an ninh mạng tại khu vực châu Á.

Vì ba lý do trên, giải pháp cũng nên bắt đầu từ việc đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích người dân về tính tiện lợi và cách sử dụng thanh toán không tiền mặt, đưa các giải pháp đơn giản hỗ trợ thanh toán điện tử tới các vùng sâu, vùng xa như cách mà Viettel và VNPT đang làm với Mobile Money.

Bên cạnh đó, khuyến khích thương mại điện tử giảm phương thức thanh toán COD bằng cách tạo lòng tin trong thanh toán, giữ một không gian mạng an toàn, sạch sẽ và hạn chế thấp nhất các rủi ro khi thanh toán trong xa lộ thông tin mạng.

Một giải pháp không trực tiếp nhưng ảnh hưởng rất lớn đối với thanh toán không tiền mặt, đó chính là tạo sân chơi và cơ chế rõ ràng để phát triển mạnh mẽ các hệ sinh thái xoay quanh thanh toán, ví dụ P2P lending, credit scoring, eKYC, crowdfunding, blockchain technology…

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt khó, mà không khó, bởi cần sự đồng lòng của tất cả các bên tham gia.

Thực trạng hiện nay cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Việc MoMo công bố khách hàng thứ 20 triệu cách đây vài tuần là một minh chứng cho thấy rằng tiềm năng thị trường là rất lớn và đã sẵn sàng.

Cái chúng ta cần là thêm nhiều nữa những công ty như MoMo trong thời gian tới bằng cách chung tay xây dựng một xã hội không tiền mặt bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và Ngân hàng Nhà nước xây dựng một sân chơi công bằng, minh bạch, hỗ trợ các công ty sử dụng công nghệ trong thanh toán và hệ sinh thái xung quanh.

Thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt được kỳ vọng sẽ hạn chế tham nhũng vặt. Ông có cùng nhận định này?

Điều này hiện nay cũng chỉ là trên lý thuyết. Bởi các nước lớn, đang phát triển thanh toán không tiền mặt mạnh mẽ hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng chưa làm được điều này. Do đó, theo tôi, kỳ vọng thanh toán phi tiền mặt hạn chế tham nhũng nói chung và tham nhũng vặt nói riêng trong thời gian ngắn sắp tới khó có thể đạt được.

Kinh nghiệm từ các nước trong phát triển kinh tế không tiền mặt áp dụng vào Việt Nam?

Kinh nghiệm từ các nước phát triển kinh tế không tiền mặt thì rất nhiều, nhưng điều mà tôi cảm thấy lý thú chính là các quốc gia phát triển mạnh Fintech luôn có những tập đoàn lớn về công nghệ đứng đằng sau.Ví dụ như Alibaba, Tencent của Trung Quốc hay Samsung ở Hàn Quốc.

Ở Việt Nam cũng có những tập đoàn công nghệ lớn đầu tư cho Fintech như Viettel, VNPT…, nhưng ngoài ra chúng ta còn có một số đơn vị tiên phong như MoMo, VNPAY... sẽ làm cho thị trường cân bằng, hài hòa và tạo động lực phát triển, cũng như kích thích đổi mới sáng tạo các doanh nghiệp tập đoàn lớn, cồng kềnh về bộ máy ở khu vực công.

Có cạnh tranh sẽ có sự phát triển và thị trường tự vận động mạnh mẽ trong thời gian tới là điều chắc chắn.

Nền tảng hạ tầng công nghệ của Việt Nam hiện nay đã đáp ứng được việc thúc đẩy người dân thanh toán không tiền mặt, theo ông?

Theo thống kê của Digital 2020, có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam vào tháng 1/2020. Trong đó, tổng số người sử dụng các dịch vụ có liên quan tới internet tăng khoảng 6,2 triệu người (tăng hơn 10%) so với năm 2019.

Có thể nói, hạ tầng công nghệ thông tin như vậy là rất tốt và hoàn toàn đủ điều kiện phát triển cũng như thúc đẩy người dân thanh toán không tiền mặt.

Mặc dù vậy, các tổ chức tài chính (gồm ngân hàng, trung gian thanh toán và ví điện tử) đều xây dựng hệ thống trang thiết bị thanh toán riêng tại một điểm chấp nhận thanh toán nên vừa lãng phí, vừa không tận dụng được hạ tầng chung.

Việc tích hợp nhiều phương thức thanh toán từ nhiều tổ chức tài chính lại với nhau vấp phải một số vấn đề lớn về khả năng khai thác, sở hữu khách hàng, cũng như chiến lược mở điểm thanh toán.

Tin bài liên quan