Hội nghị SOM khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào- Việt Nam (TGPT CLV) vừa kết thúc tại tỉnh Kratie (Campuchia).
Thông qua Hội nghị, đoàn từ TGPT CLV đều thống nhất một số đề xuất, sáng kiến nhằm kiến nghị lên 3 Chủ tịch Uỷ ban điều phối 3 nước, tại Cuộc họp ngày mai, nhằm thúc đẩy hợp tác Khu vực Tam giác phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị ngày càng tốt đẹp và sự hợp tác toàn diện giữa ba nước.
Campuchia-Lào- Việt Nam đã có những mối hợp tác từ 22/10/1999 với cuộc gặp giữa các lãnh đạo cấp cao tại Viêng Chăn (Lào), cũng như đưa ra sáng kiến về việc tổ chức một số chương trình tổng thể nhằm phát triển khu vực CLV.
Việc tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư vào khu vực này không những góp phần thúc đẩy kinh tế tại từng địa phương trong khu vực, mà còn góp phần thắt chặt và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác phát triển kinh tế - xã hội Khu Tam giác nói chung.
Trong những năm vừa qua, các cấp quản lý trong Khu vực TGPT đã có nhiều trao đổi, thảo luận và các hoạt động, chương trình nhằm tạo điều kiện nền tảng thúc đẩy hoạt động đầu tư, thương mại và du lịch trong khu vực như: tiếp tục rà soát điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu Tam giác phát triển, Kế hoạch kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030.
Ngoài ra, còn có những chương trình hợp tác cụ thể trong các ngành, lĩnh vực như “Báo cáo nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su Campuchia – Lào – Việt” của Bộ Nông nghiệp ba nước, chương trình xúc tiến du lịch “Ba Quốc gia một điểm đến”...
Tất cả những chương trình, kế hoạch hành động nêu trên đã và đang góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế và giao lưu trong Khu vực.
Sau gần 20 năm hợp tác khu vực, ông SOK So-phec, Quốc Vụ khanh, Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, Trưởng đoàn chuyên viên Campuchia cho rằng, sự phát triển của khu vực tăng gấp 2 lần.
Đặc biệt là sự phát triển về cơ sở hạ tầng, cả phần mềm lẫn phần cứng; hợp tác ngăn chặn mua bán tội phạm xuyên quốc gia, cũng như thúc đẩy phát triển các dự án trong khu vực tam giác vàng của 3 nước.
Đi cùng sự phát triển là nhu cầu phát triển đời sống của người dân trong khu vực này, và đặc biệt cần chú ý vấn đề bảo vệ môi trường, công bằng trong phát triển thiên nhiên.
Do đó, dù ngay cả khi kế hoạch hành động phát triển khu vực tam giác này đã được lãnh đạo cấp cao 3 nước thông qua từ cuộc họp cấp cao ngày 31/3/2018, tuy nhiên, cần thường xuyên xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của người dân, nhưng vẫn đáp ứng với tình hình phát triển chung của khu vực và thế giới.
Trong khi đó, ông Thong Phan Sa-van-phet, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn chuyên viên CHDCND Lào đưa ra các thách thức trong quá trình hợp tác khu vực như phát triển năng lượng cả trong khu vực kinh tế Nhà nước lẫn tư nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông,…và đặc biệt là việc huy động nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế còn nhiều hạn chế.
Chủ tịch tiểu ban an ninh đối ngoại Campuchia đưa ra các kiến nghị, phương hướng hợp tác trong thời gian tới tại 13 tỉnh trong Khu vực, dự kiến sẽ được kiến nghị lên 3 Chủ tịch Ủy ban điều phối 3 nước tại Phiên họp ngày mai.
Theo đó, việc củng cố an ninh dọc biên giới, giải quyết vấn đề vượt biên, buôn bán người, ma tuý sẽ được thực hiện mạnh mẽ, nhằm duy trì đảm bảo an toàn khu vực.
Cùng với đó là mục tiêu nâng cao hệ thống hotline giải quyết vấn đề cấp bách giữa 13 tỉnh trong khu vực cũng như hợp tác trong giải phá bom mìn còn sót lại sau các cuộc chiến tranh tại 3 nước.
“Chia sẻ thông tin giữa các chính quyền sẽ rất quan trọng trong phòng chống buôn bán gỗ, mua bán người, vượt biên, khủng bố,…tại khu vực tam giác vàng. Trong dài hạn sẽ tuyên truyền để người dân khu vực hiểu và tuân thủ hiệp định định thương mại trong CLV. Nếu an ninh khu vực không được cải thiện thì lĩnh vực du lịch 3 quốc gia, 1 điểm đến cũng không thể phát triển”, ông SOK So-phec, Quốc Vụ khanh, Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia, Trưởng đoàn chuyên viên Campuchia nói.
Ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng SOM Việt Nam đánh giá cao những hợp tác đầu tư, thương mại đã được đẩy mạnh giữa 3 nước nói chung và 13 tỉnh khu vực TGPT nói riêng. Tuy nhiên quá trình hợp tác còn chưa tạo được những bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.
Về kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su Campuchia – Lào – Việt, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho rằng, giai đoạn hiện nay, giá dầu thế giới đang sụt giảm khiến lợi ích thu về cho các doanh nghiệp trồng/sản xuất cao su chưa cao. Nhưng nếu không có bản kế hoạch sớm, chuẩn bị đón đầu thì ngay khi giá dầu tăng trở lại, sẽ lỡ nhịp phát triển ngành công nghiệp cao su trong khu vực TGPT CLV.
“Những sáng kiến, giải pháp về việc triển khai kết nối 3 nền kinh tế cần được tiếp tục đưa ra cũng như cần đến sự tham gia tích cực hơn từ các Bộ, ngành liên quan của 3 nước. Cùng với đó là xác định các cơ quan đầu mối để cùng nhau phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong mỗi kế hoạch phát triển”, ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.