Ảnh Internet

Ảnh Internet

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ổn định

(ĐTCK) Cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018 là gần 372.036 tỷ đồng cho các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế. Con số này khiến thị trường quan ngại về nguồn tiền tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) giảm, ảnh hưởng đến sự ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng…

2017, số dư tiền gửi của KBNN tăng 60%

Nghiên cứu của Ban Kinh tế Trung ương nhận định, ngoại trừ một số thời điểm căng thẳng do yếu tố thời vụ trong 4 tháng đầu năm 2017, thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp.

Cụ thể hơn, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao 4,5-5,0%/năm trong thời điểm từ đầu năm đến giữa tháng Năm, trước khi giảm mạnh trong 3 tháng tiếp theo xuống mức thấp nhất là 0,3-0,6%/năm với kỳ hạn qua đêm-1 tuần và tiếp tục dao động chủ yếu trong biên độ thấp 0,7-1,0%/năm trong phần lớn thời gian còn lại.

Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào thanh khoản hệ thống dồi dào được Ban Kinh tế Trung ương nhận định, đó là KBNN tiến hành chuyển lượng lớn tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước sang các ngân hàng thương mại trong bối cảnh quá trình giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn.

Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, số dư tiền gửi KBNN liên tục duy trì ở mức cao khoảng 150.000-160.000 tỷ đồng (tăng khoảng 60% so với cuối năm 2016) do tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2017 khá chậm so với cùng kỳ các năm trước.

Ban Kinh tế Trung ương nhận định, kể từ đầu năm 2017, tốc độ giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Chính phủ khá chậm so với giai đoạn cùng kỳ năm trước. Cùng lúc, việc huy động trái phiếu chính phủ vẫn được tiến hành với khối lượng đều đặn ở mức cao. Điều này khiến ngân sách nhà nước tạm thời dư thừa một khối lượng tiền mặt tại KBNN.

Trước bối cảnh đó, số dư tiền gửi KBNN tại các ngân hàng thương mại đã tăng mạnh. Động thái này ngay lập tức khiến cho một lượng lớn tiền được bổ sung vào hệ thống ngân hàng, kéo giảm lãi suất liên ngân hàng về mức thấp và tạo ra sự dư thừa thanh khoản.

Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2017 của Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 là 299.507 tỷ đồng, đạt 83,9% tổng kế hoạch năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (357.150 tỷ đồng).

2018, số dư tiền gửi sẽ giảm 40.000-60.000 tỷ đồng

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 1/1/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ đề ra nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, trong đó phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao…

Cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định giao 372.035,856 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018 (bao gồm vốn trái phiếu chính phủ) và danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2018. Trong đó, Thủ tướng giao 80.351,215 tỷ đồng cho các bộ, ngành Trung ương và 291.684,641 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhận định của BIDV cho biết, số dư tiền gửi của KBNN dự kiến giảm khoảng 40.000-60.000 tỷ đồng so với mức hiện tại, song nhìn chung vẫn ở mức khá cao khoảng 100.000-120.000 tỷ đồng, do tốc độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh hơn trong năm 2018, nhưng vẫn chưa thực sự cải thiện mạnh mẽ khi Luật Đầu tư công sửa đổi chưa chính thức được ban hành.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, thị trường tiền tệ (tiền đồng) liên ngân hàng trong năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục xu hướng ổn định so với năm 2017.

Lãi suất giao dịch sẽ có xu hướng đi ngang ở kỳ hạn ngắn và giảm nhẹ ở kỳ hạn dài. Các yếu tố chính tác động lên diễn biến lãi suất trong năm 2018 là do Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, thận trọng và chưa có nhiều biến động so với năm 2017.

Bên cạnh đó, tín dụng năm 2018 dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực khoảng 17-18% do các yếu tố thúc đẩy-hạn chế vẫn khá tương đồng so với năm 2017: Thứ nhất, nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp duy trì ở mức cao trong bối cảnh tăng trưởng GDP 2018 dự kiến vẫn ở mức 6,5-6,7%.

Thứ hai, áp lực kiểm soát chất lượng tín dụng để đáp ứng một số chỉ tiêu an toàn như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn... sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2018. Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn dự kiến cũng ở mức tương đương năm 2017, tăng khoảng 16-16,5%.

Tin bài liên quan