Ðể người lao động gắn bó với doanh nghiệp

Ðể người lao động gắn bó với doanh nghiệp

(ĐTCK) Hàng loạt doanh nghiệp như CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Ngân hàng TMCP Quân đội, CTCP VNG, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, CTCP Dầu thực vật Tường An… vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

Về pháp lý, để phát hành cổ phiếu cho đối tác đặc biệt là người lao động, doanh nghiệp phải trình phương án ra Ðại hội đồng cổ đông. 

Tuy nhiên, dường như chưa bao giờ cổ đông đại chúng phản đối việc doanh nghiệp dành lượng cổ phần nhất định bán cho người lao động, bởi lợi ích nhiều bề của phương án phát hành này.

Khi được mua cổ phần, người lao động chuyển từ vị thế làm thuê sang vị thế vừa làm thuê, vừa làm chủ doanh nghiệp. Ngoài lương và các khoản thu nhập từ sức lao động, họ sẽ có thêm khoản thu nhập  từ đầu tư khi doanh nghiệp kinh doanh có lãi và trả cổ tức. Người lao động có sự gắn bó hơn, toàn tâm hơn với công việc và đó là một yếu tố giúp cho doanh nghiệp vững để bước đi xa.

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội, những ngày đầu tiên thành lập với vốn điều lệ 94 tỷ đồng, bên cạnh một số pháp nhân đã có sự tham gia của một số người lao động góp vốn.

Theo thời gian, Ngân hàng lớn dần lên, bên cạnh việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, còn dành một phần bán cho người lao động để gắn kết họ ở lại lâu dài. Ðại hội đồng cổ đông ngân hàng này luôn thu hút rất đông người tham dự, trong đó có những cụ ông, cụ bà 70 - 80 tuổi, đã đi cùng Ngân hàng hơn hai thập kỷ và quyết đi tiếp trên cương vị cổ đông.

Bán cho người lao động cổ phần (với giá ưu đãi kèm yêu cầu về thời hạn nắm giữ) đã trở thành cách làm phổ thông với nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng mang lại lợi ích cho người lao động theo cách này. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Thăng Long trước đây cũng từng bán lượng lớn cổ phần cho người lao động.

Ba năm trước, khi công ty này xảy ra khủng hoảng mất vốn, người lao động trở thành chủ thể mất nhiều nhất. Nhiều người trong số đó đã vay tiền để mua cổ phiếu ưu đãi, khi Công ty khó khăn, họ phải chịu thiệt kép.

Vừa mất vốn từ khoản đầu tư, trong khi phải chịu áp lực trả nợ gốc và nợ lãi. Chính trong lúc khó khăn nhất đó, Công ty quyết định tái cấu trúc mạnh mẽ, đổi tên mới (MBS) và kêu gọi nhân viên ở lại, chung sức vượt qua khủng hoảng. Lời kêu gọi đã nhận được sự đồng lòng của nhiều người, khó khăn cùng thắt lưng buộc bụng để vượt qua.

Năm 2017, lần đầu tiên MBS trả được cổ tức cho cổ đông với mức 5% (thanh toán ngày 25/9). Tổng giám đốc MBS Trần Hải Hà cho biết, năm 2018, khi gánh nặng với quá khứ được xóa hết, MBS không phải trích lập dự phòng nữa và được ghi nhận kết quả kinh doanh từ thực tế, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty chia sẻ thành quả từ kinh doanh đến các cổ đông, nhất là những người đã gắn bó trong những giai đoạn khó khăn nhất.

Cũng trong mong muốn giữ chân người lao động ở lại lâu dài, Công ty Nhựa và Môi trường xanh An Phát lại có cách làm khác. Từ năm 2016, Công ty áp dụng chế độ lao động trọn đời với tất cả các nhân sự.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Công ty, ông Phạm Ánh Dương cho rằng, dùng kỷ luật thép không hiệu quả và khiến người lao động chuyên tâm bằng những giải pháp động viên người lao động, gắn kết họ với hiệu quả hoạt động của Công ty.

Trước đây, An Phát thường được gọi lái đi thành “Ăn Phạt” do chính sách lao động hà khắc (sản phẩm của Công ty 99% xuất khẩu sang Mỹ, Nhật và các nước tiên tiến).      

Tuy nhiên, xây dựng một môi trường làm việc nghiêm túc, nhân văn, ổn định về tâm lý và thu nhập cho nhân viên, lại mang đến cho An Phát hiệu quả kinh doanh cao hơn kể từ khi áp dụng chính sách mới.

Ở Nhật, một trong những giải pháp giữ chân người lao động được nhiều doanh nghiệp áp dụng là trả lương theo…độ tuổi. Theo đó, người càng nhiều tuổi hơn, chịu áp lực nuôi dưỡng gia đình lớn hơn sẽ được hưởng khung định mức lương cao hơn. Như chia sẻ của một số chuyên gia người Nhật, cách trả lương này không chỉ khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp, mà còn hàm chứa trong đó giá trị nhân văn trong bối cảnh nền kinh tế đã ở mức phát triển cao.

Mỗi doanh nghiệp, tùy hoàn cảnh và khát vọng kinh doanh, sẽ có chiến lược nhân sự riêng, nhưng nói như Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh thì trong các nguồn lực để tạo nên guồng quay tại doanh nghiệp, nguồn lực về con người là cần “quản trị” nhất. Khi có bí quyết quản trị nhân sự phù hợp, doanh nghiệp sẽ tăng sức trụ vững trước các hoàn cảnh thách thức, khó khăn. 

Tin bài liên quan