Chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất cả nước.

Chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất cả nước.

Xã hội hóa việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích danh thắng Yên Tử

Trong 3 khu di tích quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử hiện nhận được sự đầu tư lớn nhất, với những dự án trùng tu, những công trình quy mô.    

Thực hiện Đề án Mở rộng và Phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, việc xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp hoặc đầu tư từ xã hội và cộng đồng doanh nghiệp tại di tích này đã đạt những kết quả tích cực.

Theo đó, hàng loạt ngôi chùa nơi đây đã được trùng tu trong nhiều năm qua, như chùa Hoa Yên, chùa Cầm Thực, Suối Tắm, Giải Oan, Bảo Sái, Vân Tiêu, chùa Đồng…, với nguồn kinh phí rất lớn từ cả ngân sách và xã hội hoá. Đặc biệt, đầu tháng 12/2013, bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, công trình giữ kỷ lục là tượng bằng đồng nguyên khối lớn nhất Việt Nam, được thực hiện hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa (75 tỷ đồng) đã được khánh thành.

Ông Nguyễn Trung Hà, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh) cho biết, theo Đề án Mở rộng và Phát triển Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích sẽ được chia làm 3 giai đoạn (2013 - 2015, 2016 - 2020 và 2021 - 2025). Bám sát đề án này, Quảng Ninh tiếp tục thực hiện xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư có tâm và tầm cùng tham gia thực hiện. Hiện đã có 8 dự án được triển khai, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng.

Một trong các nhà đầu tư lớn đã đáp lại lời kêu gọi xã hội hóa nêu trên của tỉnh Quảng Ninh là Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm. Công ty hiện là chủ đầu tư Dự án Khu trung tâm văn hóa lễ hội và dịch vụ du lịch tại khu vực bến xe Giải Oan (940 tỷ đồng); Dự án Đầu tư nâng công suất 2 tuyến cáp treo, xây dựng cầu thang cuốn tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (700 tỷ đồng); xây dựng hai bến xe mới và các điểm dừng chân tại dốc Hạ Kiệu để di chuyển bến xe cũ từ khu vực suối Giải Oan ra (đã hoàn thành)...

Trong đó, dự án có quy mô lớn nhất - Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ Khu vực bến xe Giải Oan đang được chủ đầu tư thực hiện theo đúng cam kết với tỉnh Quảng Ninh. Được khởi công từ giữa năm 2016, đến nay, Dự án đã hoàn thành 70% phần thô. Và đến mùa Lễ hội xuân Yên Tử năm 2018, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình mà như Bill Bensley - tác giả của Khu nghỉ dưỡng Intercontinental Da Nang, người thiết kế và giám sát thi công công trình này đã nói, du khách sẽ cảm nhận được màu của thời gian và thấy mình đang “chạm vào quá khứ”.

Đại diện Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm cho biết, vị kiến trúc sự nổi tiếng Bill Bensley đã lấy cảm hứng kiến trúc của Vườn tháp để áp dụng cho công trình. Vì thế, công trình sẽ mang màu sắc, kiến trúc thời Trần thế kỷ XIII và kiến trúc thân quen của làng quê Việt Nam. Nhờ thế, những vấn đề được coi là thách thức lớn nhất mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra đối với dự án này là phải bảo vệ tối đa cảnh quan, các công trình kiến trúc phải hài hòa với thiên nhiên và tái hiện lại lịch sử, đã được ông Bill Bensley hóa giải thành công.

TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nhận định, thiết kế tại Dự án Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ Khu vực bến xe Giải Oan đã bảo vệ được cảnh quan, hài hòa với thiên nhiên. Các cảnh quan được tôn trọng tối đa khi tất cả những cây có đường kính từ 10 cm trở lên đều được giữ lại.

Thực tế đã cho thấy, khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng hợp tác, việc huy động được nguồn lực sẽ dễ dàng hơn nhiều. Song điều quan trọng là công tác quy hoạch và giám sát phải được cơ quan quản lý thực hiện tốt, thì sự hợp tác này mới mang lại hiệu quả thực sự. Dự án Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ Khu vực bến xe Giải Oan mà Công ty cổ phần Phát triển Tùng Lâm đang thực hiện là một điển hình mẫu cho sự hợp tác này.

Tin bài liên quan