Việt Nam đang muốn viết dài câu chuyện về một điểm đến đầu tư, đối tác kinh doanh tin cậy trên hành trình đi cùng ASEAN và thế giới. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) và Giám đốc WEF khu vực châu Á Justin Wood trao đổi tại phiên thảo luận toàn thể về tầm nhìn mới khu vực Mekong trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018. Ảnh: Khánh Chi.

Việt Nam đang muốn viết dài câu chuyện về một điểm đến đầu tư, đối tác kinh doanh tin cậy trên hành trình đi cùng ASEAN và thế giới. Trong ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) và Giám đốc WEF khu vực châu Á Justin Wood trao đổi tại phiên thảo luận toàn thể về tầm nhìn mới khu vực Mekong trong khuôn khổ WEF ASEAN 2018. Ảnh: Khánh Chi.

WEF ASEAN và Việt Nam - Hành trình đi cùng những ý tưởng thời đại (bài 3): Con đường thịnh vượng

Trong hành trình đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0), Việt Nam không chỉ đi theo, mà có thể đi cùng với thế giới, để bàn về tương lai của nền kinh tế thế giới, tương lai của những cơ hội làm ăn, mô hình kinh doanh chưa từng có trong lịch sử loài người.

Bài 3: Con đường thịnh vượng

Các nhà lãnh đạo ASEAN và giới kinh doanh tin rằng, con đường phía trước của ASEAN, cũng là con đường mà từng nền kinh tế sẽ đi, không chỉ để làm người chiến thắng trong cuộc cách mạng 4.0, mà còn là con đường đem đến sự thịnh vượng. Con đường này đang được xây đắp bằng rất nhiều ý tưởng, hành động.

Chân dung ASEAN 4.0

Khi các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các nền kinh tế ASEAN và giới kinh doanh toàn cầu đang diễn ra dày đặc với vô vàn giả thuyết và những đề xuất về con đường tương lai của ASEAN 4.0 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), thì cách đó chỉ khoảng 5 cây số, ở phố Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội, ứng dụng gọi xe Go-Viet chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. 

Người thông báo tin này là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

“Go-Jek là một doanh nghiệp khởi nghiệp của Indonesia và Go-Viet là một doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam sẽ cùng khai trương dịch vụ vận chuyển hành khách trên nền tảng 4.0. Đây là tin vui, tin nóng”, Thủ tướng nói khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của WEF ASEAN 2018 với chủ đề “Những ưu tiên của ASEAN trong cách mạng công nghiệp 4.0”.

Còn với người sáng lập, Giám đốc điều hành Go-Jek, Nadiem Makarim, 34 tuổi - cũng đang tham dự WEF ASEAN 2018, kế hoạch mở rộng thị trường trị giá 500 triệu USD, gồm Go-Viet tại Việt Nam, Get tại Thái Lan, thương hiệu chưa được công bố tại Philippines và Singapore đang dần hoàn tất với sự đồng hành của doanh nghiệp khởi nghiệp địa phương. Giấc mơ từng người dân tự tìm kiếm cơ hội nhờ chiếc điện thoại thông minh của Nadiem Makarim không dừng chân tại Indonesia.

Khi nói về quyết định khởi nghiệp được định giá gần 5 tỷ USD của mình, Nadiem Makarim đã kể về câu chuyện một đứa trẻ chỉ cho cha mình cách dùng ứng dụng gọi xe và những người dân nghèo có thu nhập nhờ chiếc điện thoại thông minh và xe máy.

“4.0 không phải lúc nào cũng cao siêu, có khi chỉ là chiếc điện thoại thông minh”, Nadiem Makarim nói.

Với góc nhìn này, chân dung 4.0 là những người thợ may ở Hội An của Việt Nam đang có những khách hàng ở tận Mỹ, tận Australia nhờ mạng Internet; là những người dân ở Phuket (Thái Lan) hay ở Singapore... đang cho thuê phòng trống trong căn hộ của mình trên Airbnb...

Ở Myamar, đất nước mà bà Aung San Suu Kyi, cố vấn Nhà nước Myanmar gọi là đã gần như bị cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bỏ qua, đang phải đi tắt bằng các bước nhảy vọt. Chân dung 4.0 là giá 1 chiếc sim điện thoại hiện giờ chỉ là 1,5 USD, thay vì 1.500 USD của 5 năm trước.

Nhờ vậy, số người dùng điện thoại thông minh tăng, đi kèm đó là cơ hội tiếp cận các ứng dụng liên quan đến thương mại điện tử, các dịch vụ thanh toán ngân hàng, sự phát triển của các mạng xã hội và không gian mới của giới trẻ.

Chìa khóa kết nối

“Sự trỗi dậy của giới khởi nghiệp được nhìn nhận như là một điểm đặc biệt của ASEAN”, ông Jason Li Yat-Sen từ Đại học Sydney chốt lại phiên về Khởi nghiệp sáng tạo tại WEF ASEAN 2018 đầy ắp những câu chuyện khởi nghiệp thành công của những thanh niên nghèo, những người dân sống ở các vùng xa xôi.

Trên con đường đi đến thịnh vượng, từng người dân đều cố gắng tìm cơ hội của mình, nhất là giới trẻ. Theo khảo sát của WEF về Tương lai việc làm và Thanh thiếu niên ASEAN công bố ngay tại cuộc họp, Việt Nam và các nước ASEAN bỏ xa Mỹ về tinh thần tự doanh.

Ở khu vực này, cứ 4 người thì có 1 người muốn thành lập doanh nghiệp hay làm chủ các hoạt động làm ăn của bản thân. Khoảng 52% số người dưới 35 tuổi tin công nghệ sẽ làm tăng số lượng việc làm, trong khi 67% cho biết nó sẽ tăng khả năng kiếm được thu nhập cao.

Chính sự đặc biệt này, cùng với sức mạnh là khu vực kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 5 của thế giới, có dân số trẻ, tinh thần kinh doanh cao, có nền kinh tế tiên phong về công nghệ, có sự đồng thuận trong bảo vệ tài nguyên, môi trường... khiến cơ hội tiên phong của ASEAN trong cuộc cách mạng 4.0 không đối mặt với nhiều nghi ngại.

Quan trọng hơn nữa, trong các giải pháp đề xuất ưu tiên tới đây, các quốc gia đều nhìn thấy sức mạnh từ sự kết nối trong ASEAN dựa trên các nền tảng của cuộc cách mạng 4.0.

Sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với giới kinh doanh, với cả doanh nghiệp khởi nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia sẽ là một trải nghiệm đặc biệt.

Trong vai trò chủ nhà WEF ASEAN, Việt Nam đã đưa ra 5 kiến nghị, đều dựa trên nền tảng kết nối các nguồn lực, nền tảng, lợi thế của khu vực.

Một là, kết nối số, chia sẻ dữ liệu.

Hai là, hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics…

Ba là, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo.

Bốn là, tìm kiếm phát huy tài năng.

Năm là, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.

Với vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2019, ông Prajin Juntong, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thái Lan cũng đưa ra cam kết thúc đẩy kết nối nội khối đã được thống nhất gắn với kết nối số, đảm bảo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng phần cứng, về thể chế, hài hòa các quy định, nguyên tắc và kết nối con người.

“Chúng tôi sẽ thúc đẩy sự kết nối toàn diện và đa chiều, để nhấn mạnh tính trung tâm của ASEAN và các kết nối với các khu vực khác, thúc đẩy kết nối với khu vực tư nhân, người dân để cùng tạo ra khu vực ASEAN và dành cho tất cả mọi người”, ông Prajin Juntong nói.

Thái Lan, cũng như nhiều nước trong ASEAN đã công bố chính sách quốc gia về cuộc cách mạng 4.0. Singapore đang nổi lên là trung tâm của đổi mới và sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh công việc này. Nhưng, các nhà lãnh đạo đều khẳng định rằng, không một nền kinh tế nào có thể thành công nếu đi một mình.

Cơ hội mang tên Việt Nam

Go-Jek và Go Viet đã bắt đầu chặng đường đầu tiên trên hành trình khẳng định sự tin tưởng về cơ hội rộng lớn tại thị trường Việt Nam và năng lực của đối tác Việt Nam của ông Nadiem Makarim khi quyết định chọn Việt Nam để cùng đi xa hơn.

Còn ông Alex Dimitrief, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn GE đang có tầm nhìn dài hạn hơn ngay khi kỷ niệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam. “Chúng tôi mong có thể kỷ niệm 125 năm có mặt ở Việt Nam”, ông Alex Dimitrief hào hứng.

Ông Nadiem Makarim, ông Alex Dimitrief, lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu tham dự WEF ASEAN 2018 như Standard Chatered, Google, Facebook, Apple, Bloomberg, Hitachi, Temasek, ThaiBev... và cả các doanh nghiệp Việt Nam đang có thêm cảm xúc mới về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam.

Tiềm năng phát triển của một trong 18 nền kinh tế có hiệu quả vượt trội mà Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) nhấn mạnh trong Báo cáo “Hiệu quả vượt trội: Các nền kinh tế mới nổi với sức tăng trưởng cao và những doanh nghiệp hậu thuẫn” công bố tại WEF ASEAN 2018 là một lý do. Sự trỗi dậy năng động của tinh thần kinh doanh, của doanh nghiệp Việt Nam cũng là lý do đáng kể...

Nhưng, sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam với giới kinh doanh, với cả doanh nghiệp khởi nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia sẽ là một trải nghiệm đặc biệt.

Thủ tướng Việt Nam luôn muốn biết: “Ai sẽ giúp các nhà đầu tư là người dự tính đầu tư vào Việt Nam từ 500 triệu USD lên 1 tỷ USD trong 3-5 năm tới? Các nhà đầu tư cần Chính phủ Việt Nam ủng hộ điều gì? Trong những nhà đầu tư vào Việt Nam, ai sẵn lòng mở rộng đầu tư? Chính phủ cần điều chỉnh gì để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện kế hoạch?...”. Ông cũng muốn lắng nghe những băn khoăn từ các nhà đầu tư, để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam có giải pháp tháo gỡ, giải quyết... Đây cũng là những câu hỏi ông thường đặt ra trong các cuộc gặp với doanh nghiệp Việt Nam, để thúc đẩy, tạo áp lực cho bộ máy trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh không ngừng nghỉ.

Từng bước, Việt Nam đang muốn viết dài câu chuyện về một điểm đến đầu tư, đối tác kinh doanh tin cậy trên hành trình đi cùng ASEAN và thế giới.

Ý kiến - Nhận định:

"Mong muốn các nền kinh tế ASEAN mở cửa với những công nghệ mới nhất"

Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore

húng tôi đã thúc đẩy thành lập một trung tâm nghiên cứu phát triển mới, thông qua đó, có thể trợ giúp kỹ thuật, cho phép Singapore chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế của mình với các nền kinh tế, cũng như có thể học hỏi các quốc gia khác trong ASEAN.

Chúng tôi muốn các nền kinh tế ASEAN mở cửa với những công nghệ mới nhất, từ đó xây dựng ASEAN với những đặc tính như phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo.

"Tài năng của con người đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0"

Ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia

Chúng tôi có 4 công ty khởi nghiệp kỳ lân (có giá trị trên 1 tỷ USD). Tài năng của con người đang thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0. ASEAN, trong đó có Indonesia sẽ đi đầu trong cách mạng 4.0.

Tôi tin cách mạng 4.0 không làm tăng sự bất bình đẳng, mà thay vào đó là giảm, vì cách mạng 4.0 có đặc điểm là giảm chi phí đáng kể, khiến các dịch vụ, sản phẩm rẻ hơn, mở khả năng tiếp cận cho người thu nhập thấp.

Tin bài liên quan