Mở rộng đầu tư trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng

Mở rộng đầu tư trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng

WB: Triển vọng kinh tế Việt Nam trung hạn ổn định và tích cực

(ĐTCK) Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến tiếp tục được cải thiện trong 6 tháng cuối năm nhờ tiêu dùng cá nhân, các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, dù vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro bất lợi từ môi trường bên ngoài và bối cảnh trong nước.

Đóng góp lớn từ FDI

Báo cáo “Điểm lại”, ấn phẩm bán niên cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 và dự báo triển vọng, phân tích các rủi ro thách thức với kinh tế Việt nam những tháng cuối năm của WB đánh giá, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vững nhịp khôi phục từ cuối năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 5,7% trong nửa đầu năm 2017, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp và lạm phát cơ bản duy trì dưới 2%.

Theo đó, điểm nhấn của kinh tế Việt Nam là vị thế kinh tế đối ngoại duy trì thặng dư nhờ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu và dòng tiền đầu tư FDI ở mức kỷ lục. Trong năm 2016, tài khoản vãng lai đạt thặng dư lớn và dự trữ ngoại hối tăng lên. Tăng trưởng mạnh về xuất khẩu, lượt khách du lịch và kiều hối tư nhân dẫn đến tài khoản vãng lai thặng dư ở mức khoảng 4% GDP năm 2016, ghi dấu năm thứ năm liên tục tài khoản vãng lai có thặng dư.

Tài khoản vốn cũng đạt thặng dư lớn nhờ vào dòng vốn đầu tư FDI đạt kỷ lục và vốn vay dài hạn. Dòng ngoại tệ đổ vào tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khôi phục dự trữ ngoại hối trong suốt năm 2016.

Một số áp lực đối với tiền đồng xuất hiện trong tháng 11 đã được NHNN xử lý bằng cách phá giá nhẹ tỷ giá tham chiếu và can thiệp trực tiếp. Áp lực đã giảm đi vào đầu năm 2017 và những tổn thất về dự trữ cuối năm 2016 đã được khôi phục từ thời điểm đó, giúp cho dự trữ ngoại tệ được duy trì ở mức khoảng 2,6 tháng nhập khẩu.

Phân tích của các chuyên gia kinh tế WB cho thấy, kết quả xuất khẩu đáng khích lệ của Việt Nam nhờ phần nhiều vào khu vực doanh nghiệp (DN) đầu tư FDI, trong khi khu vực DN nội địa vẫn đang đối mặt với bất cân đối ngoại thương kéo dài. Cơ cấu kinh tế và tài khoản vãng lai trong kinh tế đối ngoại của Việt Nam bị tách theo hai hướng.

Các DN đầu tư FDI có năng lực cạnh tranh cao và được hội nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như khu vực, với doanh nghiệp chủ yếu trong các ngành chế tạo và chế biến thâm dụng lao động như điện tử, dệt may, tạo ra khoảng 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam, với thặng dư thương mại khoảng 12% GDP.

Ngược lại, khu vực các DN trong nước, chủ yếu gồm DN nhà nước, DN nhỏ và vi mô trong nông nghiệp, các lĩnh vực không có khả năng xuất khẩu, lại phát sinh thâm hụt ở mức 8% GDP.

Năng suất ở khu vực DN trong nước nhìn chung thấp hơn và phần lớn chưa có quy mô, chưa được tiếp cận vốn và công nghệ để có năng lực cạnh tranh và hiệu suất. Sự tham gia của DN trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế và sự kết nối của họ với các DN đầu tư FDI còn yếu.

Một điểm đáng chú ý là đầu tư FDI tiếp tục tăng mạnh trong những tháng gần đây, phản ánh cảm nhận tích cực của các nhà đầu tư về tiềm năng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Trong năm tháng đầu năm 2017, WB cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài cam kết 19,2 tỷ USD cho Việt Nam - tăng gần 55% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, các DN đầu tư nước ngoài cũng giải ngân được 7,7 tỷ USD, tăng 6,5% theo giá hiện hành so với năm trước. Đến tháng 6/2017, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 120 quốc gia và lãnh thổ, với tổng cam kết đầu tư FDI cộng dồn bằng khoảng 306 tỷ USD dành cho các hoạt động đầu tư đa dạng khác nhau.

Hiện nay, đầu tư FDI đóng góp khoảng 18% cho GDP của Việt Nam, gần một phần tư tổng đầu tư toàn xã hội, hai phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu, hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Điểm sáng song hành thách thức

WB nhận định, tăng trưởng kinh tế dự kiến tiếp tục được cải thiện trong 6 tháng cuối năm nhờ tiêu dùng cá nhân, các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Dự báo cả năm GDP ước tăng 6,3%. Về phía cung, ngành chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng trưởng cao nhờ sự phục hồi của kinh tế và thương mại toàn cầu.

Nông nghiệp dự báo sẽ phục hồi sau những tác động bất lợi của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng năm ngoái. Các ngành dịch vụ phát triển vững chắc nhờ kết quả tích cực của thương mại bán buôn, bán lẻ và du lịch.

Về phía cầu, tiêu dùng cá nhân và mở rộng đầu tư trong những tháng cuối năm, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, sẽ tiếp tục là các động lực tăng trưởng quan trọng. Chính sách tài khóa dự kiến sẽ được dần thắt chặt trong năm 2017 và các năm tiếp theo, từ đó dẫn tới khả năng làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ cấu điều chỉnh tài khóa dự kiến vẫn đảm bảo các khoản đầu tư cần thiết cho kiến tạo phát triển. Chính sách tiền tệ mang tính hỗ trợ và tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mục tiêu 18% của Chính phủ.

Lạm phát ước tính dưới 5% do giá năng lượng và lương thực phẩm vẫn ở mức thấp. Tài khoản vãng lai sẽ tiếp tục thặng dư, tuy mức thặng dư sẽ thu hẹp do nhập khẩu tăng nhanh, đặc biệt là nhập khẩu máy móc thiết bị. Về trung hạn, tăng trưởng dự báo ở mức 6,4% và lạm phát ở mức vừa phải. Quá trình củng cố ngân sách từng bước sẽ giúp giảm dần thâm hụt và nợ công sẽ xoay quanh mức quy định 65% GDP.

Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng tích cực, các chuyên gia kinh tế của WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro bất lợi. Từ môi trường bên ngoài, chính sách mở cửa mạnh mẽ cùng với sự phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư FDI của Việt Nam khiến cho nền kinh tế dễ bị tổn thương khi tăng trưởng tại các đối tác thương mại lớn chững lại.

Bên cạnh đó, dù Việt Nam hội nhập tài chính chưa nhiều và sâu rộng như một số quốc gia khác trong khu vực, nhưng nếu thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh hơn, lãi suất toàn cầu tăng cao và nhanh hơn cũng làm cho cán cân kinh tế đối ngoại phải chịu áp lực.

Nhìn từ bối cảnh trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế dường như chịu nhiều tác động từ tiến độ xử lý các tồn đọng dai dẳng của khu vực DN nhà nước và bất cập trong khu vực tài chính, đặc biệt là việc xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.

Tăng trưởng chậm hơn sẽ làm tăng áp lực nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ với rủi ro sẽ làm đảo ngược những thành quả gần đây về ổn định kinh tế vĩ mô và làm tăng thêm những bất cân đối kinh tế vĩ mô chưa được xử lý triệt để.

Dẫu vậy, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Quyền Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam vẫn thể hiện sức dẻo dai nhờ các yếu tố đảm bảo tăng trưởng căn bản của Việt Nam, bao gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến. Đây là những điều kiện tốt để xử lý các trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách”.

Tin bài liên quan