Vốn ODA tạo “cú hích” phát triển kinh tế - xã hội tại Yên Bái

Càng về cuối năm, Yên Bái càng chạy đua với việc triển khai xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 7/2015. Tính đến thời điểm hiện nay, Dự án đã cơ bản hoàn thành các khối lượng xây lắp theo hợp đồng đã ký kết, phần thiết bị đã lắp đạt được trên 24%. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị cho hợp đồng đã ký kết vào cuối tháng 12/2015.
Tỉnh Yên Bái xác định, thu hút và sử dụng vốn ODA hiệu quả là phương cách hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tỉnh Yên Bái xác định, thu hút và sử dụng vốn ODA hiệu quả là phương cách hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

“Đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Yên Bái, nên chúng tôi đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ Dự án”, ông Tạ Văn Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nói và cho biết, không chỉ với Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Yên Bái đang rất tích cực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn tỉnh.

Năm 2015, Yên Bái được giao kế hoạch vốn ODA, vốn đối ứng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và nguồn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án ODA trên địa bàn với tổng vốn 415.480 triệu đồng. Trong đó, vốn ODA là 278.603 triệu đồng, vốn đối ứng là 136.877 triệu đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn trái phiếu cho địa phương là 65.000 triệu đồng, ngân sách địa phương là 71.877 triệu đồng).

Ngân khoản này được tập trung vào các dự án có mức vốn giao kế hoạch lớn, như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, Dự án Giảm nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn II, Dự án Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc - TP. Yên Bái, Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc, Dự án Đường Yên Bái - Khe Sang...

Cùng với đó, các chương trình Hỗ trợ đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), Hỗ trợ y học từ xa (Telemedicine) tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với một số bệnh viện địa phương, hay Hỗ trợ các tỉnh Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng tỉnh Yên Bái... cũng được đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Là một tỉnh nghèo, mức thu ngân sách hàng năm chỉ đáp ứng được trên 20% nhiệm vụ chi thường xuyên, nguồn lực chi cho đầu tư phát triển còn nhiều hạn chế, nên nhiều năm nay, Yên Bái luôn xác định thúc đẩy thu hút và sử dụng vốn ODA hiệu quả là một phương cách hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, có bất cứ dự án ODA nào, Yên Bái cũng tích cực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Hiện nay, giá trị giải ngân các chương trình, dự án ODA ước đạt 314.338 triệu đồng, bằng 76% kế hoạch được giao. Trong đó, vốn ODA đạt 263.498 triệu đồng, bằng 94,5%, vốn đối ứng đạt 71%. Các dự án có giá trị giải ngân cao như Dự án Đường Yên Bái - Khe Sang (đoạn Yên Bái - Trái Hút), Giảm nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn II, Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông nghiệp và phát triển khí sinh học (Qseap-YB), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái (500 giường bệnh), Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc.

Trong Chương trình Đô thị miền núi phía Bắc, Yên Bái là một tỉnh tham gia sau so với các tỉnh khác, nhưng lại được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá là tỉnh trong tốp khá về tiến độ triển khai và là tỉnh duy nhất trong 7 tỉnh được bố trí vốn đối ứng kịp thời cho Dự án.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái cam kết đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành Dự án sớm nhất, nhằm thu hút thêm nguồn lực kết dư của chương trình để tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình trong Thành phố, góp phần tạo điều kiện đưa TP. Yên Bái trở thành đô thị loại II trước năm 2020.

“Theo kế hoạch, tất cả các hạng mục đầu tư giai đoạn I (2015-2016) của Dự án đều được tổ chức thi công trong năm 2015, trong đó 4 công trình đăng ký hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch vốn ODA được giao cho Dự án năm 2015 là 13 tỷ đồng, không đủ đáp ứng công tác giải ngân các hạng mục còn lại”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái nói và đề xuất các bộ, ngành xem xét, sớm có thông báo bổ sung kịp thời nguồn vốn ODA cho năm, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thành kế hoạch đã đăng ký.

Tin bài liên quan