Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nhiều dự án lớn

Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đang muốn vào Việt Nam để đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Liệu xu hướng trên có tạo nên một làn sóng đầu tư từ quốc gia này vào Việt Nam?

Các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 95% vốn tại Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1. Ảnh: Minh Trí

Các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 95% vốn tại Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1. Ảnh: Minh Trí

Đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn tại Việt Nam, nhưng Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) vẫn lên kế hoạch mở rộng sản xuất ở Việt Nam để đa dạng hóa nguồn thu. Hiện tại, Texhong đã có tổ hợp 5 nhà máy sợi ở Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch (Đồng Nai), với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Ngoài ra, nhà đầu tư này còn một nhà máy sợi 300 triệu USD đã đi vào hoạt động từ năm 2013 ở Quảng Ninh.

Năm ngoái, Texhong cũng đã chính thức khởi công Dự án hạ tầng KCN Texhong Hải Hà (Quảng Ninh), với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD, đồng thời rót thêm 300 triệu USD để thực hiện Dự án Chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may tập trung tại chính KCN này.

Bên cạnh đó, để phục vụ các dự án thứ cấp tại KCN Texhong Hải Hà, Texhong cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện có công suất 2.000 MW tại đây. Năm ngoái, Texhong đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện dự án trên. Đồng thời, nhà đầu tư này cũng đang lên kế hoạch “vời” khoảng 200 nhà đầu tư Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội đầu tư vào KCN mà họ đầu tư xây dựng hạ tầng, với kỳ vọng biến nơi đây thành một chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may khép kín.

Chia sẻ về các dự án trên, ông Hồng Thiên Chúc, Chủ tịch Tập đoàn Texhong không ngần ngại khẳng định, “đại kế hoạch” đầu tư của Texhong ở Việt Nam xuất phát từ kỳ vọng đón đầu các cơ hội do TPP mang lại. Tất nhiên, ông cũng không loại trừ những yếu tố liên quan đến giá nhân công rẻ, môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng...

Trong khi đó, hơn 3 tháng trước đây, liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc là Công ty TNHH Lưới điện Phương Nam và Công ty TNHH Điện lực quốc tế Trung Quốc đã cùng Tổng công ty Điện lực Vinacomin khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1, vốn đầu 2 tỷ USD, ở Bình Thuận. Trong dự án này, các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ 95% vốn.

Đó chỉ là hai trong số những nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian gần đây đã đầu tư những dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Ngoài ra, còn có thể kể đến Dự án Lốp xe Việt Luân, vốn đầu tư 400 triệu USD tại KCN Tây Ninh; Dự án chế biến cao su Tân Cao Thâm tại Lào Cai với tổng vốn đầu tư 337,5 triệu USD; Dự án Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung tại Lào Cai, với vốn đầu tư 337,5 triệu USD...

Dù Trung Quốc đang đứng trong top 10 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, song nhiều quan điểm cho rằng, vốn đầu tư từ quốc gia này vào Việt Nam còn chưa xứng với tiềm năng. Hơn nữa, còn nhiều vấn đề liên quan tới dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam. Với kinh nghiệm của mình, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI thẳng thắn bình luận, vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam “lượng nhiều, chất thấp, thiếu tin cậy”.

Mặc dù đầu tư ở hầu khắp các địa phương của Việt Nam, song dự án của nhà đầu tư Trung Quốc phần lớn có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ, với vốn đăng ký chưa đến 1 triệu USD. Nhiều dự án cũng bị cho là sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn và gây tổn hại đến môi trường. Đặc biệt, hầu như không có dự án nào trong lĩnh vực công nghệ cao.

Câu hỏi đặt ra là, liệu FDI từ Trung Quốc có trở thành một làn sóng sau động thái các nhà đầu tư Trung Quốc dồn dập đầu tư ra nước ngoài để “thỏa mãn” cơn khát nguyên liệu và năng lượng, đặc biệt với riêng Việt Nam là để hưởng lợi do TPP, cũng như hàng loạt hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang ký kết mang lại?

Điều đó là có thể. Nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, vốn FDI từ Trung Quốc sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là khi quốc gia này không phải là thành viên của TPP. Và thực tế, cũng đã có nhiều công ty Trung Quốc đề xuất những dự án nhiều triệu USD vào Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo ông Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), cũng cần thận trọng với điều này, nhất là trước xu hướng Trung Quốc đang dịch chuyển đầu tư các ngành nghề có mức độ ô nhiễm cao sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Mại, điều quan trọng là Việt Nam phải tỉnh táo lựa chọn dự án đầu tư từ Trung Quốc. “Cần nhận diện đúng hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam để đánh giá tác động tích cực, đồng thời xử lý có hiệu quả các khiếm khuyết đã được phát hiện, quan tâm đến động thái mới trong quan hệ Việt - Trung, nhằm lựa chọn đúng doanh nghiệp và dự án đầu tư, thu hút thêm vốn đầu tư từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI”, GS-TSKH. Nguyễn Mại bày tỏ quan điểm.

Tin bài liên quan