Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 4 chững lại, ước đạt 23,2 nghìn tỷ đồng

(ĐTCK) Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án, công trình đã khiến vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước trong tháng 4 rơi xuống thấp.
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 4 chững lại, ước đạt 23,2 nghìn tỷ đồng

Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2020 ước tính đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, thấp hơn tháng 3/2020 và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ năm trước trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó bao gồm: vốn trung ương 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31%; vốn địa phương 19,6 nghìn tỷ đồng, giảm 3,2%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 83,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,1% kế hoạch năm, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê khuyến nghị các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn thành phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở thúc đẩy việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo, kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt thiết kế dự án, đấu thầu, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân, tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn sớm, không để dồn đến cuối năm.

Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục thống kê Nguyễn Bích Lâm, để đảm bảo thực hiện được mục tiêu này, trực tiếp người đứng đầu các bộ, ngành, chủ tịch UBND các cấp cần chủ động chỉ đạo xử lý những vướng mắc, bất cập trong triển khai các dự án đầu tư công...

Đối với các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công cần nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực về kỹ thuật và tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.

“Các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với nhà thầu thi công trong suốt quá trình triển khai dự án để kịp thời xử lý trong phạm vi thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan chủ quản cấp trên các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng dự án đầu tư”, ông Lâm nhấn mạnh.

4 tháng đầu năm 2020, trong tổng số 83,7 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước, có 12,3 nghìn tỷ đồng từ vốn trung ương quản lý, bằng 15,8% kế hoạch năm và tăng 32,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải đạt 2.778 tỷ đồng, bằng 16% và tăng 37,2%; Bộ Y tế 1.028 tỷ đồng, bằng 19,3% và tăng 34,8%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 662 tỷ đồng, bằng 14,9% và tăng 25,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 423 tỷ đồng, bằng 14,1% và tăng 87,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 161 tỷ đồng, bằng 12,5% và giảm 8%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 99 tỷ đồng, bằng 15,1% và giảm 27,9%; Bộ Công Thương 59 tỷ đồng, bằng 15,3% và tăng 46,7%; Bộ Xây dựng 45 tỷ đồng, bằng 13,1% và tăng 7,4%; Bộ Khoa học và Công nghệ 37 tỷ đồng, bằng 14,7% và giảm 39,1%; Bộ Thông tin và Truyền thông 18 tỷ đồng, bằng 14,3% và giảm 26,6%.

Vốn địa phương quản lý đạt 71,4 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 47,7 nghìn tỷ đồng, bằng 17,8% và tăng 9%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 19,8 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% và tăng 12,1%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, bằng 24,5% và tăng 14,9%.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 9.476 tỷ đồng, bằng 20,9% kế hoạch năm và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 4.413 tỷ đồng, bằng 9,2% và tăng 5,4%; Quảng Ninh 2.733 tỷ đồng, 21,3% và tăng 17,9%...

Tin bài liên quan