Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào chạy thử vào tháng 9/2017

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ đưa vào chạy thử vào tháng 9/2017

Vingroup, Xuân Thành và Xây dựng Lũng Lô muốn làm metro cho Hà Nội

Hà Nội đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng tuyến metro, gồm Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành.

Sáng 17/2, báo cáo tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cơ bản đã hoàn thành. Theo Bộ GTVT, đến tháng 9 tới đây sẽ đưa vào chạy thử liên động.

Hiện tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đã giải quyết được các vướng mắc liên quan đến thủ tục và hoàn thành trên 30% khối lượng công việc.

Đơn vị thi công cam kết đến quý I/2021 sẽ đưa vào hoạt động. Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị. Hiện mới có 2 tuyến đang được gấp rút thi công.

"Thành phố đã nhận được đề xuất của 3 tập đoàn lớn trong nước tham gia xây dựng tuyến metro. Cụ thể là Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xuân Thành. Về vấn đề này, Hà Nội sẽ có báo cáo lên Chính phủ xin ý kiến", Chủ tịch Chung nói.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung thừa nhận Hà Nội đang thiếu quy hoạch giao thông ngầm để giảm tải ùn tắc giao thông. Đây là vấn đề được Thành phố rốt ráo xem xét, lên phương án.

Vingroup, Xuân Thành và Xây dựng Lũng Lô muốn làm metro cho Hà Nội ảnh 1

 Chủ tịch Hà Nội báo cáo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tiến độ các dự án đường sắt đô thị. Ảnh: Quang Anh.

Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc Hà Nội chủ động tìm nguồn vốn để thực hiện 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại là rất hoan nghênh.

Việc huy động nội lực để thực hiện các dự án giao thông cũng là chủ trương của Chính phủ. Bởi hiện nay, việc đi vay kinh phí từ bên ngoài không dễ.

Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nội tham gia phải đảm bảo được an toàn khi thi công. Vấn đề cốt lõi của xây dựng các tuyến metro là đảm bảo nhanh, rẻ và an toàn.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Đã có nhà đầu tư nội đăng ký rồi, Hà Nội cũng xem xét kỹ họ sẽ làm thế nào. Bên cạnh đó phải mời các tư vấn, kể cả tư vấn nước ngoài vào nghiên cứu, phản biện”.

Cũng theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, rõ ràng khi doanh nghiệp nội thực hiện giá sẽ rẻ hơn và nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt.

Toa tàu, thiết bị có thể mua nước ngoài nhưng xây dựng hầm, đào hầm, đường sắt, trụ móng, dầm, nhà ga... công ty trong nước có thể làm được.

Sáng cùng ngày, sau khi kiểm tra tiến độ dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi thực địa trên tuyến đê Yên Phụ - Nghi Tàm và Nhà máy nước Bắc Thăng Long. 

Tin bài liên quan