Việt Nam chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới

(ĐTCK) Báo cáo về tình hình thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn vào một số lĩnh vực trọng yếu cũng như sự quan tâm đến các lĩnh vực này của NĐT ngoại càng tăng.
Nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ ưu đãi thuế

Nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ ưu đãi thuế

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy, sẽ tiếp tục có những dòng vốn lớn đổ vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN mà Việt Nam hoàn tất đàm phán và chuẩn bị tham gia.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến đầu tháng 11/2015, tổng vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt 19,29 tỷ USD, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, nuôi trồng thủy sản, dược phẩm, du lịch giải trí, cơ sở hạ tầng, logistics… sẽ là đích nhắm của giới đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Nguyên nhân dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng ấn tượng trong 10 tháng đầu năm, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước hết là do có thêm nhiều dự án mới được cấp phép. Trong đó, phải kể đến 3 đại dự án là Samsung Display (3 tỷ USD), Nhiệt điện Duyên Hải II (2,4 tỷ USD) và Thành phố Đế Vương (1,2 tỷ USD). Chỉ riêng ba dự án này được cấp phép đã bổ sung 6,6 tỷ USD.

Đồng thời, mức giải ngân lớn kỷ lục được xác lập trong bối cảnh tình hình đầu tư nước ngoài chưa khởi sắc trên phạm vi toàn cầu. Xu hướng này cho thấy niềm tin của NĐT nước ngoài đối với thị trường Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, qua đó, sẽ có thêm nhiều dự án, dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động; trực tiếp tạo ra việc làm, lợi ích xã hội và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng trưởng tích cực, đúng với nhận định gần đây của các chuyên gia rằng Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế trong thời gian tới. Đặc biệt, xu hướng chuyển dịch cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp điện tử từ các thị trường trong khu vực sang Việt Nam đã xuất hiện từ đầu năm đang ngày càng rõ nét hơn với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn lớn. Gần đây, nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao như tập đoàn sản xuất điện thoại Archos (Pháp) và Compal (Đài Loan) đang bày tỏ ý định đầu tư vào Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, quy tắc xuất xứ trong AEC và TPP buộc các nhà đầu tư muốn tận dụng cơ hội thâm nhập thị trường ASEAN và TPP buộc phải đầu tư vào Việt Nam ở những giai đoạn chuyên sâu hơn, chuyển giao công nghệ để đạt tỷ lệ nội địa hóa. Do vậy, việc chuyển dịch dòng vốn vào Việt Nam để đón bắt cơ hội từ TPP đang và sẽ tiếp tục được các tập đoàn đẩy mạnh.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, lượng vốn từ Mỹ đổ vào Việt Nam sẽ tăng rất mạnh, để sớm trở thành nhà đầu tư hàng đầu. Bên cạnh đó, DN thuộc những nền kinh tế lớn, có sức mạnh về công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục tăng tốc độ triển khai nhiều dự án, trong đó tập trung vào ngành công nghiệp chế tạo để mở rộng chuỗi sản xuất ở Việt Nam.

Những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, nuôi trồng thủy sản, dược phẩm, du lịch giải trí, cơ sở hạ tầng, logistics… sẽ là đích nhắm của giới đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Đây cũng là nhận định được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đưa ra.

Theo ông Lộc, số liệu thu hút đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Việt Nam gần đây cho thấy, phần lớn DN vừa và nhỏ Nhật Bản có mong muốn đầu tư ra nước ngoài đều lựa chọn thị trường Việt Nam. Cụ thể, trong theo khảo sát mới nhất của Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư Nhật Bản JETRO  thực hiện đối với 500 DN Nhật Bản, có tới 130 công ty trong số này mong muốn đầu tư vào Việt Nam trong khi chỉ có 78 DN muốn đầu tư vào Thái Lan.

Để đón đầu làn sóng này, theo ông Lộc, Chính phủ cũng như DN Việt Nam nên có những nghiên cứu cụ thể và biện pháp hữu hiệu để đón đầu làn sóng đầu tư từ Nhật Bản và hấp thụ được dòng vốn này một cách hiệu quả, tạo ra sức lan tỏa tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần có định hướng rõ ràng về lĩnh vực ưu tiên để có thể thu hút các dòng vốn đầu tư của Nhật cũng như các nước khi TPP có hiệu lực.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị, để chuẩn bị cho việc đón đầu các dòng vốn ngoại khi tham gia TPP, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế kinh tế, hiện thực hóa những cam kết hội nhập, trong đó có tăng tốc cổ phần hóa DN. Điều đó cũng là cơ hội cho DN trong và ngoài nước tăng cường hợp tác, mua cổ phần của nhau, tạo ra điều kiện đầu vào cho sự bùng nổ hoạt động mua bán - sáp nhập DN tại Việt Nam.

Tin bài liên quan