Bản báo cáo có tên “Tình hình tư nhân hóa cơ sở hạ tầng” tại VBF cuối kỳ 2015 nêu quan ngại về tiến trình cổ phần hóa với Chính phủ Việt Nam

Bản báo cáo có tên “Tình hình tư nhân hóa cơ sở hạ tầng” tại VBF cuối kỳ 2015 nêu quan ngại về tiến trình cổ phần hóa với Chính phủ Việt Nam

VBF 2015: Quan ngại về tiến độ cổ phần hóa

Chuẩn bị một bản báo cáo khá công phu, với danh sách một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chuẩn bị được cổ phần hóa, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng (VBF) đã gửi tới Chính phủ Việt Nam lời quan ngại về tiến độ cổ phần hóa trong lĩnh vực này, bao gồm cả số lượng và chất lượng.

Rất nhiều cái tên nổi tiếng có trong danh sách các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng được Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng (VBF) đề cập trong một bản báo cáo có tên “Tình hình tư nhân hóa cơ sở hạ tầng”.

Đó là Petro Việt Nam, với các doanh nghiệp như Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng CTCP Điện lực Dầu khí…; hay Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, với Công ty Bảo hiểm hàng không Việt Nam, CTCP Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà…

Rồi cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam, với kế hoạch bán phần lợi ích của mình trong Ngân hàng An Bình, CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu…; hạn chế quyền sở hữu xuống dưới 50% với CTCP Điện lực Vĩnh Tân 3 và Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình…

Tuy nhiên, sau khi đưa ra danh sách này, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng dù đánh giá cao việc công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã và đang được đặc biệt chú trọng, song trên thực tế, cổ phần hóa không có ý nghĩa quan trọng về mặt kinh tế.

Lý do là vì, chỉ có một số lượng nhỏ cổ phần của DNNN cũ được bán, và đôi khi những cổ phần đó được bán cho các nhà đầu tư thụ động, bao gồm cả các ngân hàng, họ sẽ không quan tâm đến việc cải thiện hiệu quả quản lý.

“Chúng tôi quan ngại về tiến độ cổ phần hóa trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cả về số lượng và chất lượng”, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng bày tỏ quan điểm và cho biết, trong danh sách các doanh nghiệp mà Nhóm đề cập, cột hiện trạng của tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp này được chia làm nhiều mục.

Chẳng hạn, “khu vực tư nhân - nhà đầu tư chiến lược tiềm năng” tức là có các báo cáo cho biết rằng Nhà nước hoặc DNNN đang cố gắng bán phần lợi ích cho một nhà đầu tư chiến lược, nhưng giao dịch này vẫn chưa diễn ra.

“Khu vực tư nhân - bán số lượng lớn - thực tế” tức là có giao dịch bán số lượng lớn [cổ phần] của một công ty song không phải cho một nhà đầu tư chiến lược. Các giao dịch bán đó thường là các công ty con không chủ chốt.

Trong khi đó, “khu vực tư nhân - bán số lượng nhỏ - thực tế” tức là đã có giao dịch bán cổ phần của DNNN song Nhà nước (hoặc DNNN) vẫn sở hữu trên 75% vốn chủ sở hữu và do vậy Nhà nước (hoặc DNNN) vẫn nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với toàn bộ các hoạt động của doanh nghiệp.

“Đây mới chỉ là bước khởi đầu song cần đề ra một lộ trình rõ ràng nhằm tăng phần sở hữu tư nhân của các công ty này, đây là các công ty không thuộc danh mục các công ty có tầm quan trọng chiến lược của Chính phủ”, Nhóm Cơ sở hạ tầng bày tỏ quan điểm và cho rằng, việc chuyển giao từ “Nhà nước cho Nhà nước” tức là Nhà nước hoặc một DNNN đã chuyển giao lợi ích chủ sở hữu nhưng chỉ chuyển giao cho một pháp nhân thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước vẫn còn khá nhiều.

“Trong khi đó, ‘không rõ ràng’ tức là theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, tình hình cổ phần hóa hoặc giao dịch bán không được công khai”, Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng nói.

Nhìn vào danh sách mà Nhóm đề cập, không ít cái tên được xếp vào danh sách “không rõ ràng”. Chẳng hạn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); MobiFone…

Báo cáo của Nhóm chỉ ra rằng, dù MobiFone đã được chuyển giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông; không còn là một công ty con của VNPT. Bộ này được giao chuẩn bị Đề án cổ phần hóa MobiFone và trình lên Chính phủ vào năm 2014, nhưng đến nay, vẫn chưa có đề án. Con gà đẻ trứng vàng của ngành viễn thông Việt Nam cũng bị xếp vào nhóm “không rõ ràng”.

Nhìn từ danh sách này và các cách xếp hạng của Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng, xem ra, rất nhiều quan ngại được đặt ra với tiến trình cổ phần hóa của Việt Nam.

Tin bài liên quan