Ủy quyền dễ… mất quyền!

Ủy quyền dễ… mất quyền!

(ĐTCK) Ủy quyền việc gì và như thế nào, tức là nội dung và phạm vi ủy quyền là do các bên thỏa thuận hoặc trong một số trường hợp do pháp luật quy định. Song, pháp luật luôn đề cao sự tự do ý chí của các bên. Để không rơi vào tình cảnh “thả gà ra đuổi”, bên ủy quyền cần phải cân nhắc rất kỹ phạm vi ủy quyền.

Cuối tháng 5/2018, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ kiện đòi nợ của ngân hàng, trong đó có liên quan đến vấn đề ủy quyền.

Vụ việc diễn biến như sau: Trong năm 2012, giữa Công ty TNHH Giặt là Phát Đạt và Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB ký kết hai hợp đồng tín dụng trung và dài hạn với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng. Ngân hàng đã giải ngân số tiền trên. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại nhà số 84 Hòa Mã, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chủ tài sản đứng tên là ông Phan Quốc Hải.

Trước đó, ngày 18/6/2012, ông Hải đã thế chấp căn nhà trên cho Công ty cổ phần Thiết bị công nghệ Châu Á vay vốn tại ACB. Kèm điều kiện là Công ty Châu Á cho ông Hải vay số tiền 15 tỷ đồng trong thời hạn 6 tháng.

Do ông Hải định cư tại Séc, không sinh sống tại Việt Nam, cùng ngày 18/6/2012, ông Hải đã ký hợp đồng ủy quyền cho anh trai là ông Phan Quốc Hoàng (hiện là Giám đốc Công ty Giặt là Phát Đạt) nhân danh ông Hải thực hiện hợp đồng giữa hai bên. Kể từ đó đến nay, ông Hải vẫn còn nợ Công ty Châu Á số tiền 5,9 tỷ đồng.

Trong hợp đồng ủy quyền thể hiện rõ là bên được ủy quyền (ông Hoàng) thực hiện tiếp các điều khoản, điều kiện trong các hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng và các cam kết mà bên ủy quyền (ông Hải) đã ký và sẽ ký với ngân hàng.

Sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Hoàng được quyền cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng toàn bộ thửa đất và tài sản gắn liền với đất. Ông Hoàng cũng được thế chấp toàn bộ thửa đất để đảm bảo nghĩa vụ cho ông Hải hoặc ông Hoàng, hoặc bên thứ ba vay vốn tại các tổ chức tín dụng .

Nhận ủy quyền, ngày 10/8/2012, ông Hoàng tiếp tục thay mặt chủ tài sản ký hợp đồng thế chấp căn nhà trên để đảm bảo khoản vay cho Công ty Giặt là Phát Đạt. Ngày 19/9/2012, các bên ký hợp đồng sửa đổi hợp đồng thế chấp, sửa đổi nội dung khoản 2, Điều 2 hợp đồng thế chấp, từ tổng giá trị nghĩa vụ đảm bảo với khoản nợ gốc tại thời điểm thế chấp không vượt quá 5 tỷ đồng thành không vượt quá 14,5 tỷ đồng.

Tính đến năm 2018, Công ty Giặt là Phát Đạt còn nợ ngân hàng số tiền gốc là 10,9 tỷ đồng; lãi trong hạn 1,4 tỷ đồng; lãi quá hạn 4,9 tỷ đồng. Khoản tiền ngân hàng yêu cầu đòi nợ là hơn 17 tỷ đồng. Trường hợp Công ty không trả được nợ, ngân hàng đề nghị được xử lý tài sản đảm bảo.

Trước nguy cơ mất nhà nên khi ngân hàng khởi kiện Công ty Giặt là Phát Đạt ra tòa án đòi nợ, ông Hải cũng nộp đơn yêu cầu độc lập với tư cách người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan. Ông Hải ủy quyền cho người khác tham dự phiên tòa.

Quan điểm của chủ tài sản là bên được ủy quyền đã vượt quá phạm vi ủy quyền, ông Hải không biết việc thế chấp cho nghĩa vụ sau của Công ty Giặt là Phát Đạt. Chủ tài sản đề nghị tuyên văn bản công chứng vô hiệu, hủy hợp đồng thế chấp ngày 19/9/2012 và buộc ngân hàng phải xóa đăng ký thế chấp, hoàn trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn nhà cho ông.

Tòa án đã mời đại diện văn phòng công chứng đến để xác minh, nhưng theo trình bày của công chứng viên, nội dung và phạm vi ủy quyền khá rõ ràng. Đại diện phòng công chứng cho biết, việc công chứng hợp đồng thế chấp là đúng theo trình tự, thủ tục của Luật Công chứng năm 2014.

Trong khi đó, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân, với nội dung ủy quyền, ông Phan Quốc Hoàng được quyền ký kết hợp đồng thế chấp với ngân hàng để vay vốn với điều kiện tài sản thế chấp tại thời điểm đảm bảo có giá trị lớn hơn tổng giá trị vay vốn. Bên được ủy quyền không vượt quá phạm vi ủy quyền. Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan tố tụng giải quyết.

Tình huống trên thực ra không phải hiếm gặp trong cuộc sống khi các giao dịch thông qua ủy quyền diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, rủi ro pháp lý từ việc ủy quyền đã xảy ra và ghi nhận có cả những vụ án hình sự.

Theo luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh, để tránh rủi ro do ủy quyền, bên ủy quyền cần thiết phải kiểm soát được nội dung và phạm vi ủy quyền (còn gọi là mức độ của hành vi) phải rất chi tiết. Ví như bên được ủy quyền được thay mặt bên ủy quyền vay ngân hàng số tiền không vượt quá 1 tỷ đồng, hoặc được thay mặt ủy quyền định đoạt tài sản, song phải được bên ủy quyền đồng ý bằng một văn bản khác.

Tin bài liên quan