Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Tại phiên họp thứ 28 diễn ra vào sáng 15/10, UBTVQH đã nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp khẳng định, Ủy ban Kinh tế đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết số 24) thời gian qua,
Đặc biệt trong bối cảnh đồng thời phải giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và thực hiện cải cách, tìm kiếm động lực tăng trưởng cho giai đoạn sau năm 2020.
Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27 để triển khai với 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành.

Việc tổ chức thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế đã đổi mới, bước đầu khắc phục những bất cập nêu tại Nghị quyết số 24. Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được thành lập để tập trung chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao của bộ, ngành, địa phương.

Nhiều chương trình, kế hoạch hành động được ban hành bao quát hầu hết nội dung của các nhiệm vụ trọng tâm được xác định tại Nghị quyết số 24.

Trong số 16 chính sách lớn nêu tại Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ, một số chính sách được triển khai khá tốt như: Hoàn thiện thể chế kinh tế; cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển kết cấu hạ tầng.

Ủy ban Kinh tế tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại, vướng mắc khi triển khai, đặc biệt nhấn mạnh đến cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ như: Xử lý nợ xấu; thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn về SCIC; cơ cấu lại NSNN; thực hiện quá trình đô thị hóa.

Về thực hiện cơ cấu lại 3 trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, DNNN và các TCTD, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất về kết quả đạt được và những bất cập được nêu trong báo cáo của Chính phủ.

Từ năm 2016, quá trình cơ cấu lại 3 lĩnh vực này đã có những chuyển biến mang tính căn cơ so với giai đoạn trước. Cơ cấu lại đầu tư công đạt bước tiến quan trọng với việc ban hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ bản thống nhất với Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020.

Hệ thống pháp luật và lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại DNNN, xử lý các dự án yếu kém từng bước hoàn thiện, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan. Việc xử lý các TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai trên nguyên tắc thận trọng và đạt được một số kết quả. C

ác khuôn khổ pháp lý liên quan đến cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu cơ bản hoàn chỉnh, đặc biệt là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017.

Về cơ cấu lại NSNN, báo cáo của Chính phủ đã thể hiện tương đối đầy đủ các kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong cơ cấu lại thu, chi ngân sách, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương NSNN.

Việc đổi mới khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và thực hiện tinh giản biên chế còn chậm. Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn thực trạng phân bổ, sử dụng ngân sách theo lãnh thổ và cấp quản lý, việc cơ cấu lại chi thường xuyên gắn với kết quả đổi mới khu vực sự nghiệp công lập để phản ánh toàn diện hơn việc cơ cấu lại NSNN của nước ta.

Thể chế phát triển khu vực kinh tế tư nhân từng bước được hoàn thiện, bước đầu có kết quả tích cực. Hàng loạt văn bản pháp luật, chính sách được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân còn vướng mắc, đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện và có nhiều rào cản thủ tục với doanh nghiệp để tiếp cận chính sách.

Quá trình thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch và chưa bảo đảm công bằng. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, tạo gánh nặng chi phí và cản trở doanh nghiệp phát triển.

Chuyển dịch cơ cấu ngành, vùng kinh tế nhìn chung đã theo đúng định hướng đề ra; trong đó, chuyển dịch cơ cấu nội ngành bước đầu tác động tích cực lên năng suất lao động, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp.

Phát triển ngành, vùng kinh tế từng bước được gắn kết chặt chẽ theo hướng hình thành không gian phát triển hợp lý hơn trong công nghiệp và thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm.

Việc hình thành đồng bộ và phát triển thị trường yếu tố sản xuất mới đạt kết quả bước đầu. Thị trường tài chính từng bước chuyển dịch lên cấp độ phát triển cao hơn với những thành tựu trong phát triển thị trường vốn, giảm sức ép cho thị trường tiền tệ.

Tỉ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn tăng từ mức 28% năm 2016 lên mức dự kiến đạt 36,4% năm 2018. Tuy nhiên, các thị trường yếu tố sản xuất còn lại nhìn chung vẫn chậm phát triển.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn ở mức sơ khai, quy mô nhỏ. Thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, mất cân đối cung cầu lao động cả về trình độ tay nghề, ngành nghề kinh tế và địa phương...

Ủy ban Kinh tế tán thành với quan điểm của Chính phủ xác định cơ cấu lại nền kinh tế là trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành, cùng với đó là việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững cho giai đoạn sau năm 2020.

Bên cạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu như: Bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với vai trò định hướng của Nhà nước.

Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường tính trách nhiệm và giải trình của các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc hoàn thành các nhiệm vụ, đặc biệt là nhóm nhiệm vụ về hình thành đồng bộ và phát triển các thị trường yếu tố sản xuất; cơ cấu lại ngành, vùng kinh tế; đổi mới phương thức quản lý, điều hành kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường; và bảo đảm hoàn thành cơ bản việc cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm trước năm 2020.

Rà soát, sửa đổi kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính thống nhất, tháo gỡ các rào cản trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có chất lượng các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng.

Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 24 và theo dõi, bám sát tình hình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch, lộ trình triển khai trên cơ sở bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và thực hiện đúng quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế.

Tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, giáo dục, cơ sở hạ tầng; tích cực cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, tận dụng các cơ hội từ kết quả hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2019, triển khai áp dụng khung chỉ tiêu giám sát, đánh giá kết quả quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trên cơ sở tham khảo thông lệ tốt của thế giới, nâng cao chất lượng công tác thống kê; bao gồm cả việc đánh giá tổng thể nền kinh tế và đánh giá cho từng ngành, lĩnh vực trọng tâm cơ cấu lại.

Đồng thời, sớm chuẩn bị đánh giá, tổng kết cuối kỳ việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở xây dựng phương hướng chỉ đạo cơ cấu lại cho giai đoạn sau năm 2020, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tin bài liên quan