Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh

Ưu tiên 3 nhóm trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô

Hôm nay (20/5), trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019, Chính phủ cần ưu tiên 3 nhóm trọng tâm.

Đánh giá cơ bản tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, quan điểm của Ủy ban Kinh tế như thế nào, thưa ông?

Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 tương đối toàn diện. Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6, trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, năm 2018 hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đến nay, đánh giá lại thấy rằng, tăng thêm một chỉ tiêu vượt kế hoạch; 6/12 chỉ tiêu thực hiện được tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội là tăng trưởng xuất khẩu, xuất siêu, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.

Tóm lại, năm 2018 là một năm đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển biến về kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, GDP tăng trưởng 7,08%, là mức cao nhất 11 năm gần đây, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện; nền kinh tế phát huy đà tăng trưởng với động lực chính đến từ công nghiệp chế biến, chế tạo.

Tình hình cơ cấu lại nền kinh tế có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển; cơ cấu lao động chuyển dịch từ khu vực có giá trị gia tăng thấp sang khu vực có giá trị gia tăng cao; năng suất lao động từng bước được cải thiện...

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực kinh tế chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, còn yếu tố thiếu bền vững.

Đáng lưu ý là, cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chỉ đạt 75,8% dự toán, dẫn đến nguồn vốn đầu tư công tồn dư lớn, chưa có cơ chế để quản lý tồn ngân và sử dụng số vốn nhàn rỗi tại Kho bạc Nhà nước hiệu quả; số lượng, chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Tốc độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm, không đồng đều trên một số lĩnh vực, có cải cách chưa mang tính thực chất, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp.

Kết quả đạt được của năm 2018 một phần nhờ nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, phần khác là do nhiều yếu tố khách quan như hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thiên nhiên, thời tiết... thuận lợi. Thưa ông, những yếu tố khách quan thuận lợi này còn tiếp tục duy trì trong năm 2019?

Năm 2019, tình hình kinh tế thế giới được dự báo có nhiều yếu tố không thuận lợi cho tăng trưởng và hoạt động xuất khẩu của nước ta, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, xu hướng bảo hộ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong khi đó, nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và đẩy mạnh các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là đối với các hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

Là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, Việt Nam có khả năng chịu nhiều ảnh hưởng từ các diễn biến kinh tế thế giới nêu trên. Bên cạnh đó, thời tiết năm nay không thuận lợi, hạn hán xuất hiện sớm ở nhiều địa phương, tình hình dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp… tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Từ thực tế khách quan, có thể khẳng định, việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 sẽ gặp khó khăn, đặc biệt trong trường hợp việc đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế không đạt được những chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn.

Nhưng Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sẽ hạn chế phần nào tác động bởi chính sách bảo hộ mậu dịch, qua đó tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, thưa ông?

Chúng ta đã tận dụng được một số cơ hội chuyển hướng thương mại do CPTPP mang lại. Cụ thể, trong quý I/2019, đã xuất khẩu rất mạnh sang Canada và Mexico (2 thị trường chưa ký kết hiệp định thương mại song phương, đa phương với Việt Nam, ngoài CPTPP). Trong đó, xuất khẩu sang Canada hơn 864 triệu USD, tăng gần 42,8% (cùng kỳ năm 2018 chỉ tăng 2,7%); xuất khẩu sang Mexico 497 triệu USD, tăng 8%, trong khi cùng kỳ năm 2018 giảm gần 10%.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu do CPTPP đem lại, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong 4 tháng đầu năm giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ. Trong hoạt động xuất khẩu, chúng ta đang gặp phải khó khăn bởi cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, nhu cầu thế giới và giá cả hàng hóa giảm và việc đàm phán để được công nhận về các tiêu chuẩn quốc tế, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, đánh giá tổng thể, toàn diện tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, CPTPP nói riêng đến nền kinh tế, đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tiến trình thực hiện các cam kết của Việt Nam trong CPTPP, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tranh thủ tốt cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh từ các hiệp định này.  

Xuất khẩu không thuận lợi; sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu chững lại; sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thiên nhiên, thời tiết và dịch tả lợn châu Phi… Theo ông, còn khó khăn nào nữa trong việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019?

Trong công tác điều hành năm 2019, vấn đề đáng lưu tâm là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt lạm phát. CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 2,71% - thấp hơn so với cùng kỳ mấy năm gần đây, tuy vậy lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm đã tăng 1,84% so với cùng kỳ năm 2018. 

Mặc dù nền tảng kinh tế vĩ mô và cơ sở để kiểm soát lạm phát trong năm 2019 đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước đây, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát vẫn chịu rất nhiều áp lực từ việc tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ (như dịch vụ y tế tiếp tục tăng theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016 - 2020, giá bán điện tăng bình quân 8,36% kể từ ngày 20/3/2019 và tăng giá bán sách giáo khoa). Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến giá thực phẩm năm 2019.

Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng hơn trong năm 2019 là việc thực hiện hiệu quả, thực chất các nhiệm vụ, giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và công nghệ) và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và cải thiện tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn, tạo cơ sở vững chắc cho giai đoạn phát triển sau năm 2020, hướng đến năm 2030 và tầm nhìn 2035, với mục tiêu xây dựng nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững.

Năm 2019 là năm “bứt phá” để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Những tháng còn lại của năm 2019, bên cạnh việc tiếp tục triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Quốc hội đã đề ra vào cuối năm 2018, Chính phủ cần tập trung vào 3 trọng tâm ưu tiên.

Đó là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát để tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế; đẩy nhanh thực hiện đồng bộ các dự ánquan trọng quốc gia, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực giao thông và công nghệ thông tin.

Tin bài liên quan