Tỷ lệ nợ công lên đến 65% có đáng lo ngại?

Theo GS. Lê Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS), vay nợ để đầu tư, kích thích tăng trưởng kinh tế và đảm bảo khả năng trả nợ thì không đáng ngại. Chỉ đáng ngại khi vay nợ để tiêu dùng, không tạo dư địa tốt cho tăng trưởng dài hạn.
GS. Lê Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp.

GS. Lê Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp.

Nợ công gần đây được “xới” lên với lý lẽ cho rằng, tính lại GDP sẽ nới “room” cho Việt Nam vay vợ và khiến nợ công tăng cao trong thời gian tới. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Chuyện quy mô GDP của Việt Nam tăng thêm 25,4% khi được tính lại, thì tỷ lệ nợ công/GDP bị sụt giảm từ mức 60-61%, xuống còn khoảng 48% - ngang ngửa với tỷ lệ của Trung Quốc, khiến nhiều người hoài nghi phải chăng tính lại GDP để tăng vay nợ. Vấn đề ở đây là, mức nợ công dù có chiếm 60-61% GDP cũng không phải là con số ghê gớm gì, bởi tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 60-65% không hề quá sức với nền kinh tế Việt Nam.

Bản thân tôi không hiểu sao lại có ý kiến lo ngại nợ công tăng cao đến 65% hay cao hơn, trong khi Pháp, Bỉ có tỷ lệ nợ công/GDP là 100%, còn tỷ lệ này của EU xấp xỉ 90%. Tại Mỹ, tỷ lệ nợ công/GDP không đáng bàn vì họ thoải mái về vấn đề này. Còn với nền kinh tế “sát nách” chúng ta như Trung Quốc, thì tỷ lệ này cũng hơn 40%.

Nếu các đối tác quốc tế thấy kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, hoàn nợ được và trả lãi vay nước ngoài tốt thì khả năng cho vay vẫn rất cao. Đơn giản hơn, nếu một cá nhân đi vay và cam kết hoàn nợ rõ ràng trong bối cảnh cá nhân đó vẫn làm ăn tốt thì chuyện đi vay vốn và được duyệt vay vốn thêm là điều dễ hiểu.

Nhìn lại 5 năm qua, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam dao động trong khoảng 57-60% trước khi thay đổi cách tính GDP, vậy thì có gì phải lo. Tỷ lệ nợ công/GDP chỉ đáng lo ngại khi tăng nhảy vọt, ví dụ từ 20% lên 40-50%, còn với diễn biến tỷ lệ nợ công những năm qua tăng chậm đều là tương đối an toàn.

Ông vừa đề cập rằng tỷ lệ nợ công hiện nay tương đối an toàn, vậy cơ sở nào đưa ra đánh giá đó, thưa ông?

Tại châu Âu, họ ấn định quy tắc Maastricht với 3 chỉ tiêu: thâm hụt ngân sách không được quá 3,5% và tỷ lệ nợ công/GDP dưới 60%, lạm phát không quá 2,2%. Tuy nhiên, không riêng gì Pháp, nhiều quốc gia châu Âu khác đều có tỷ lệ nợ công/GDP vượt 60%, thậm chí đạt 100%.

Điều quan trọng ở đây là cần hiểu kỹ lưỡng về chỉ tiêu nợ công mà các nước châu Âu ấn định, bởi sau nhiều tranh cãi về các chỉ tiêu trên, các nước châu Âu đã thống nhất lấy bình quân các tỷ lệ thực tế những năm trước đó và thiếu cơ sở lý thuyết khoa học chứng minh.

Nếu ta lo ngại tỷ lệ nợ công của Việt Nam cao và dễ khủng hoảng nợ công như ở một số nước châu Âu, theo tôi đó là thứ lo ngại “vô duyên”, bởi tỷ lệ nợ công của Việt Nam cao là do nhu cầu trên thực tế cao. Nếu ta đi vay nợ để đầu tư vào hạ tầng, công nghệ cao, công nghệ mới, vào giáo dục - đào tạo thì đó là điều tốt, bởi nó giúp tăng Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) - một chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất mang lại do nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và lao động, làm đòn bẩy tăng trưởng kinh tế. Còn nếu vay nợ để tiêu xài sẽ vô bổ và không tạo dư địa tốt cho tăng trưởng dài hạn.

Đối với các nước đang phát triển, rất cần các khoản vay và đi vay để kích thích tăng trưởng kinh tế. Điều quan trọng ở đây là dùng vốn vay đó phải đúng mục đích, đạt hiệu quả tốt và giúp ích cho tăng trưởng kinh tế.

Vậy đâu là kịch bản an toàn cho vấn đề nợ công của Việt Nam, thưa ông?

Nếu tỷ lệ nợ công hiện nay thậm chí tăng đến 65% hoặc hơn, mà tốc độ tăng nợ công chậm đều trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tăng trưởng 6-7%/năm, dự trữ quốc gia vẫn tốt, thì không đáng lo ngại. Nhưng khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4-5% thì cần xem xét lại khả năng trả nợ.

Nhìn ra thế giới ta thấy, các nước nghèo, hay những nước có vấn đề về kinh tế, tăng trưởng thấp thì tỷ lệ nợ công khá thấp. Đơn cử Algeria (tỷ lệ nợ công/GDP 19-20%),  Bangladesh (tỷ lệ nợ công/GDP 28,1%). Câu hỏi đặt ra là, phải chăng những nước này có tỷ lệ nợ công/GDP thấp là do đối tác quốc tế không tin tưởng cho vay vì tăng trưởng GDP chưa tốt, hay vì lo ngại về khả năng trả nợ của họ.

Hiện nay, có nhiều ý kiến trái ngược nhau về quan hệ giữa tăng trưởng và nợ công. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ nợ công tăng thì tốt cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không ít ý kiến phản bác lại quan điểm này. Đến nay, chưa có kết luận khoa học rõ ràng về chuyện ảnh hưởng của nợ công đến tăng trưởng.

Tôi cùng các cộng sự Học viện Chính sách và Phát triển đang theo đuổi Dự án Phân tích kinh tế vĩ mô - các vấn đề nợ công và nợ tư nhân ở Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, dùng nợ công để đầu tư vào phát triển công nghệ mới, vào vốn con người là tốt nhất - đây là đường hướng mà nhiều nước phát triển đã triển khai hiệu quả. Tại Pháp, thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, vay nợ để đầu tư xây dựng các trường đào tạo và trung tâm nghiên cứu với những khoản vay lên tới 30 tỷ euro.

Còn về xử lý nợ công, nếu thấy nợ công cao thì phải tìm cách hạ xuống, mà đơn giản là hạn chế vay. Nếu thấy sử dụng nợ công vào chi tiêu vô bổ không đạt hiệu quả, ta phải cắt giảm các khoản chi tiêu đó, chưa kể các khoản thất thoát chi tiêu từ những công trình và dự án đắp chiếu, đội vốn. Hơn hết, nếu làm ăn không hiệu quả, không tăng trưởng tốt thì đừng đi vay, bởi nguyên tắc đi vay là phải trả vốn và lãi, nếu hiệu quả sử dụng vốn vay thấp hơn lãi phải trả, phải lập tức dừng việc vay nợ lại.

Tin bài liên quan