Tường minh mức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Tường minh mức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(ĐTCK) Với việc Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế Tài nguyên đang được triển khai, trong đó bao gồm các nội dung liên quan đến thuế TNDN dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hiện thực hóa chủ trương hỗ trợ phát triển khu vực DNNVV theo tinh thần Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2018 tới.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tương tự như các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, DNNVV đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Với tỷ lệ chiếm tới 98% trong tổng số doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, DNNVV được xác định là động lực tăng trưởng, là “xương sống” của nền kinh tế.

“Với vai trò hết sức quan trọng đó, việc hỗ trợ DNNVV phát triển đã được quy định rõ trong Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, cùng với các chính sách hỗ trợ chính như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường, thì hỗ trợ về thuế và kế toán cũng được coi là những chính sách sách trọng tâm của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho khu vực này phát triển”, ông Đông nhấn mạnh.

Mặt khác, việc hỗ trợ thuế TNDN đối với DNNVV cũng là phù hợp với thông lệ của quốc tế. Số liệu nghiên cứu cho thấy, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đều có chính sách ưu đãi thuế cho DNNVV. Chẳng hạn, Trung Quốc áp dụng thuế ưu đãi đối với DNNVV là 20%, trong khi thuế suất phổ thông là 25%; Thái Lan cũng áp dụng mức thuế suất thấp cho DNNVV, với nhiều mức ưu đãi khác nhau...

Tại Việt Nam, Chính phủ trước đó đã có tờ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn về thuế cho DNNVV, trong đó đề xuất 2 phương án giảm thuế. Cụ thể, phương án 1, áp dụng thuế suất 17% cho doanh nghiệp nhỏ, 15% cho doanh nghiệp siêu nhỏ, với tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như tại Luật Hỗ trợ DNNVV. Phương án 2, áp dụng thuế suất 17% cho DNNVV theo quy định tại Luật Thuế TNDN, nhưng nâng mức doanh thu làm căn cứ xác định DNNVV lên 50 tỷ đồng/năm.

Liên quan đến định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN đối với các DNNVV, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ tập trung vào nội dung về giảm thuế suất TNDN cho DNNVV để đáp ứng và tương thích với Luật Hỗ trợ DNNVV. Cụ thể, theo quy định tại Luật, DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp.

Theo đó, để được áp dụng chính sách giảm thuế suất thuế TNDN, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần đáp ứng tiêu chí chung là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, đồng thời áp dụng 1 trong 2 tiêu chí là nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng, hoặc tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. 

Theo ông Thi, việc sử dụng tiêu chí lao động, vốn phân biệt theo ngành, lĩnh vực làm cơ sở xác định DNNVV có nhiều bất cập khi đặt trong xu thế doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như hiện nay.

“Tiêu chí vốn là tổng vốn ghi trên bảng tổng kết tài sản bao gồm cả vốn chủ sở hữu và vốn vay, nên không phản ánh đúng quy mô và hoạt động của doanh nghiệp, vì vốn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp có sự khác biệt lớn so với vốn doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động sản xuất-kinh doanh trên thực tế. Trong khi đó, việc sử dụng tiêu chí doanh thu có ưu điểm là phản ánh thực chất kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thi lý giải.

Mặt khác, xét về quản lý thuế, ông Thi cho biết, nếu lấy dữ liệu của cơ quan thuế có sẵn thể hiện trên tờ khai thuế TNDN của doanh nghiệp cũng sẽ thuận lợi trong quản lý nhà nước hơn là lấy theo tiêu chí vốn. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định lấy tiêu chí doanh thu làm cơ sở căn cứ để xác định DNNVV là đối tượng được áp dụng chính sách giảm thuế suất TNDN.

Cụ thể, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng, được áp dụng thuế suất 15%, DNNVV là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3-50 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 17%. Trong đó, doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 15% và 17% là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm.

“Ngoài ra, để tránh trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung cũng quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - con mà công ty mẹ nắm giữ từ 25% vốn chủ sở hữu của công ty con trở lên”, ông Thi cho hay.       

Tin bài liên quan