Nếu được sự tư vấn, hỗ trợ, người nông dân sẽ sản xuất theo định hướng, theo tín hiệu thị trường, chứ không theo quan sát tự thân, theo phong trào như hiện nay

Nếu được sự tư vấn, hỗ trợ, người nông dân sẽ sản xuất theo định hướng, theo tín hiệu thị trường, chứ không theo quan sát tự thân, theo phong trào như hiện nay

Tư duy làm nông nghiệp mới

Tháng 4/2017, khi dưa hấu Quảng Ngãi chưa kịp giải cứu xong thì tại Nghệ An, phong trào giải cứu hành tăm lại bắt đầu. Như vậy, mới qua hơn 3 tháng đầu năm đã có 4 mặt hàng nông sản gồm gừng, chuối, dưa hấu, hành tăm được cộng đồng giải cứu.

Thực tế trên cho thấy, đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao hiện nóng hơn bao giờ hết.

Dễ nhận thấy rằng, điểm chung của một số mặt hàng nông sản được giải cứu thời gian qua là lượng trồng tự phát lớn, thời điểm thu hoạch rộ ngắn, mặt hàng khó bảo quản, phụ thuộc vào thị trường bên ngoài… Đây là những điểm yếu cố hữu cần sớm khắc phục.

Thứ nhất, công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu còn hạn chế. Nhiều loại nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường bên ngoài, đi bằng con đường tiểu ngạch, giá thấp, rủi ro lại cao và thường xuyên rơi vào cảnh quá tải, bị ép giá.

Thứ hai, mạng lưới phân phối trong nước hiện có quá nhiều tầng nấc trung gian, khiến giá hàng hóa bị đội lên nhiều lần. Đơn cử, giá dưa hấu bán tại ruộng của nông dân là 2.000 đồng/kg, nhưng giá bán tại các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội lên tới 15.000 - 17.000 đồng/kg. Giá thịt lợn hơi đang rớt xuống còn 30.000 đồng/kg, song người dân vẫn phải mua thịt lợn thành phẩm bán tại sạp với giá hơn 100.000 đồng/kg.

Các chính sách đưa ra không chỉ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mà phải khuyến khích được sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân

Thứ ba, công tác quản lý quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch còn yếu, tình trạng phá vỡ quy hoạch thường xuyên xảy ra với đa số mặt hàng như dưa hấu, sắn, mía, cao su, cà phê, thanh long, vải… Dù cơ quan chức năng nhiều lần nhắc nhở địa phương, song tình trạng này vẫn tái diễn vì nông dân không làm theo khuyến cáo. Nói cách khác, tình trạng phá vỡ quy hoạch, ế thừa nông sản cũng một phần do lỗi của người nông dân.

Thứ tư, công nghệ chế biến còn kém, khiến nông sản làm ra có giá trị thấp, bị sức ép về tiêu thụ.

Nguyên nhân cốt lõi dẫn tới những hạn chế này là do liên kết chuỗi còn lỏng, mạnh ai nấy nuôi - trồng, mạnh ai nấy bán.

Có lẽ cách duy nhất để giải bài toán này là xây dựng, vừa phát huy các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp sản xuất, giữa nhà sản xuất với nhà phân phối, rút ngắn các khâu trung gian để giảm giá thành. 

Một khi liên kết chuỗi được thực thi nghiêm túc, thì người nông dân sẽ sản xuất theo định hướng, theo tín hiệu thị trường, chứ không theo quan sát tự thân, theo phong trào. 

Đáng mừng là ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp sạch với quy trình khép kín, ứng dụng công nghệ cao. Sự chuyển hướng tích cực này của doanh nghiệp xuất phát từ sức ép rất lớn của thị trường trong nước và quốc tế, khi khách hàng ngày càng khó tính, nhu cầu thực phẩm sạch, thực phẩm có thương hiệu ngày càng tăng. Song điều quan trọng là các doanh nghiệp phải kết nối tốt với hàng triệu hộ nông dân, giúp người nông dân thay đổi cách thức sản xuất, cùng tham gia vào chuỗi giá trị.

Cũng bởi vậy, các chính sách đưa ra không chỉ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, mà phải khuyến khích được sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

Thưc tế cho thấy, nếu thiếu chính sách đúng đắn, thì liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ khó bền vững. Đương nhiên, để khuyến khích nông dân, doanh nghiệp liên kết đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị, Nhà nước cũng cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý thực phẩm bẩn, bảo vệ nông sản sạch, không để “vàng thau lẫn lộn”, khiến doanh nghiệp và người dân làm ăn nghiêm túc bị thiệt thòi.

Tin bài liên quan