Sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Internet

Sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh: Internet

Tranh luận về đề xuất cải tạo sông Kim Ngưu

Đồng tình với sự cần thiết cải tạo sông Kim Ngưu (Hà Nội) nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ ngay "ý tưởng cống hoá".

Ngày 15/8, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức tọa đàm đề xuất ý tưởng chỉnh trang đô thị và cải tạo môi trường sông Kim Ngưu, đoạn từ đường Trần Khát Chân tới cầu Mai Động.

KTS Trần Tuấn Anh (đơn vị tư vấn đề xuất ý tưởng) cho biết, sông Kim Ngưu đang phải hứng chịu một lượng nước thải lớn từ các hộ dân sống xung quanh. Khảo sát của đơn vị tư vấn cho thấy, cứ một km sông Kim Ngưu lại có 7 cống xả thải trực tiếp ra lòng sông.

Ngoài ra, sông Kim Ngưu cũng đang gánh lượng nước thải lớn xả thẳng, không qua xử lý từ các tuyến đường: Lò Đúc, Trần Khát Chân... 

Trước tình trạng trên, đơn vị tư vấn đã xây dựng phương án cải tạo môi trường sông Kim Ngưu trên diện tích 42.000 m2, chiều dài hơn 1,2 km từ ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân đến cầu Mai Động.

Việc cải tạo được thực hiện theo hướng tách toàn bộ hệ thống thu nước thải sinh hoạt từ các hộ dân vào đường ống thoát nước thải riêng biệt. Mặt nước chính của dòng sông phục vụ thoát nước mưa, tạo cảnh quan môi trường đô thị kết hợp chức năng thương mại dịch vụ, phát huy yếu tố công cộng.

Các công trình dự kiến được xây dựng gồm quảng trường, đài phun nước, biểu tượng dự án; hai bãi đỗ xe thông minh 5 tầng; khu vực thương mại dịch vụ; tuyến phố đi bộ... Đơn vị tư vấn khẳng định các công trình nêu trên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của sông.

"Nếu thực hiện thành công 1,2km, đơn vị có thể tiếp tục tư vấn làm hoàn chỉnh toàn bộ 3 km của sông Kim Ngưu", ông Tuấn Anh cho biết. 

"Dự án cải tạo sông thành ao"

Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất quan điểm cần sớm cải tạo môi trường các dòng sông của Hà Nội, trong đó có sông Kim Ngưu. 

"Đề xuất này sẽ giúp cải thiện môi trường cho người dân xung quanh, làm sống lại dòng sông cũng như tạo ra khu vực vui chơi, thương mại, dịch vụ", ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nói.

Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng Xây dựng Phạm Sỹ Liêm cho rằng đề án đưa quá nhiều công trình thương mại, dịch vụ che khuất tầm nhìn trên mặt sông.

"Ý tưởng xây bãi đỗ xe thông minh 5 tầng lấn ra sông, nếu đứng từ đầu sông sẽ khó quan sát mặt sông. Dự án này đã biến sông Kim Ngưu thành một chuỗi ao. Nếu gọi đúng tên, đây là dự án cải tạo sông thành ao", ông Liêm thẳng thắn nêu.

Tranh luận về đề xuất cải tạo sông Kim Ngưu ảnh 1

 Phối cảnh dự án cải tạo đoạn sông Kim Ngưu của đơn vị tư vấn. Ảnh: Võ Hải.

Cũng theo nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng, với mực nước dòng chính của sông sau cải tạo từ một đến 1,2 m thì không có sinh vật nào có thể sống được mà chỉ có rong rêu tồn tại.

Hơn 30 năm sống ở đúng khu vực được đề xuất cải tại, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông nói ông đã chứng kiến sự thay đổi của dòng sông và hiểu được tâm tư của người dân nơi đây. 

"Việc cải tạo môi trường sông Kim Ngưu là điều cần thiết. Nhưng cần hạn chế xây dựng các công trình có thể làm ảnh hưởng đến tầm nhìn, dòng chảy của sông. Tôi không đồng tình việc đặt thêm vào không gian đó các công trình 3, 4 tầng", ông Thông nêu quan điểm.

Nhiều đề xuất cống hoá sông của Hà Nội đã bị bác bỏ

Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội Tô Anh Tuấn cho hay, đề xuất trên "nhang nhác" nhiều đề án trước đây trong việc cống hoá các dòng sông tại Hà Nội.

"Chính đoạn sông này cách đây 15 năm, Tập đoàn Hà Đô (Bộ Quốc phòng) đã đề nghị cống hoá và chúng tôi đã từ chối", ông Tuấn nói và thông tin thêm có những nhà đầu tư đề nghị cống hoá cả sông Tô Lịch nên đơn vị phải "chiến đấu nhiều lần để bác bỏ những đề án kiểu đó".

Theo ông Tuấn, trong quy hoạch thủ đô Hà Nội, vị trí của bốn con sông trong nội đô (Kim Ngưu, Tô Lịch, Lừ, Sét) đã được khằng định, không có chuyện cống hoá hay xoá bỏ các con sông này. Bên cạnh chức năng thoát nước, cảnh quan, bốn con sông còn mang những giá trị văn hoá, lịch sử gắn liền với quá trình phát triển của Thủ đô.

Từ cách tiếp cận trên, ông Tuấn đề nghị ứng xử với các dòng sông như các công trình văn hoá, lịch sử chứ không đơn thuần là công trình xây dựng hay hạ tầng kỹ thuật.

"Quan trọng là cải tạo, phục hồi để trả lại giá trị ban đầu của các dòng sông chứ không phải cống hoá và xoá bỏ nó", ông Tuấn đề nghị.

Ban tổ chức hội thảo cho hay, đề xuất cải tạo đoạn sông đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như chính quyền quận Hai Bà Trưng (địa điểm dự án đề xuất cải tạo sông).

Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nếu thành phố coi đó là ý tưởng hay thì nên có lãnh đạo thành phố tới dự hội thảo để lắng nghe, tiếp thu. Rất tiếc hội thảo chỉ có cán bộ cấp phòng của quận Hai Bà Trưng tới tham dự.

Tin bài liên quan