Trách nhiệm tạo bứt phá

Trách nhiệm tạo bứt phá

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.

Ông đã nói điều này trong cuộc làm việc với các lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ, công chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng qua (19/2). Nhưng một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ đặt lại hàng loạt câu hỏi.

Đó là làm sao để có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020? Vì sao, hàng triệu hộ kinh doanh không trở thành doanh nghiệp, có phải chế độ kế toán, thuế khóa… không phù hợp? Làm sao để những người khởi nghiệp Việt Nam chọn Việt Nam, chứ không phải Singapore để triển khai các ý tưởng sáng tạo?

Đó là làm sao để xóa được điều người dân, doanh nghiệp đang nói về trên nóng – dưới lạnh trong hành xử của các cơ quan chính quyền? Làm thế nào để Việt Nam có mặt trong 4 quốc gia đứng đầu về sự thuận lợi trong môi trường kinh doanh của ASEAN, tiệm cận được các thông lệ, chuẩn mực đầu tư - kinh doanh tốt nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD)…

Đó là làm sao để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy rác thải công nghệ…?

Dù hàm ý rằng, những điều này không hẳn là trách nhiệm của riêng ngành kế hoạch và đầu tư, nhưng người đứng đầu Chính phủ chờ đợi, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan mà ông nhấn mạnh nhiều lần là tham mưu chiến lược quan trọng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước -  phải đề xuất những giải pháp chính sách cụ thể, có tính tiên phong, sáng tạo, đổi mới, không chấp nhận “bổn cũ soạn lại”.

Cách đây 3 năm, trong buổi làm việc đầu tiên với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải cải cách, đổi mới, phải là cơ quan có tầm nhìn chiến lược, tham mưu đúng, trúng nhiều giải pháp, chính sách cho Chính phủ cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Từ đó đến nay, dấu ấn tiên phong của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện rất đậm nét trong các nghị quyết của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế, về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, về thành tựu trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư tư nhân trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài…Đặc biệt là niềm tin của người dân, doanh nghiệp với Chính phủ liêm chính, hành động vì người dân, doanh nghiệp lên cao nhờ các đề xuất giải pháp, chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu Chính phủ để giải đáp các câu hỏi trên.

Nhưng vào thời điểm hiện tại, khi đổi mới, sáng tạo đang được coi là chìa khóa của phát triển, thì yêu cầu tiên phong, đổi mới trong thể chế, chính sách được coi là điều kiện tiên quyết để nền kinh tế có thể bứt phá, thậm chí nhảy vọt. Chính phủ đang trao trách nhiệm tạo nên bứt phá về thể chế kinh doanh, bứt phá về môi trường kinh doanh để tạo sự bứt phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển.

Đặt lại các câu hỏi cũ trong yêu cầu phát triển mới, một lần nữa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng vào vai trò của người tiên phong đổi mới, sáng tạo…

Tin bài liên quan