TP.HCM kêu khó khi xử lý các kết luận thanh tra

TP.HCM kêu khó khi xử lý các kết luận thanh tra

Thanh tra Chính phủ được kiến nghị sớm đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra và các quy định liên quan xử lý cán bộ vi phạm.

Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ về việc thi hành kết luận thanh tra, UBND TP.HCM chỉ ra hàng loạt khó khăn trong hoạt động thanh tra thời gian qua, khiến việc xử lý các vi phạm chưa hiệu quả.

Do thanh tra thành phố thiếu người nên việc hoàn tất một vụ thường rất chậm, thậm chí sai quy định của Luật Thanh tra. Năng lực, nghiệp vụ của cán bộ thanh tra còn yếu kém nên nội dung kết luận thanh tra còn chung chung, thiếu căn cứ, chưa quy được trách nhiệm cụ thể.

Ở một số vụ, việc phân tích đánh giá, quy trách nhiệm chưa tương xứng với thẩm quyền của người ban hành kết luận. Việc tổ chức thực hiện các đề xuất xử lý liên quan đến cán bộ, công chức nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác, chuyển nơi cư trú... gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, khi cơ quan thanh tra chuyển các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra (theo chỉ đạo của UBND thành phố) thì công an thường đặt vấn đề "vi phạm thuộc điều khoản nào của Luật Hình sự" trong khi đơn vị thanh tra không đủ điều kiện làm rõ dấu hiệu vi phạm.

Hoặc có nhiều trường hợp bị cơ quan điều tra trả về do không đủ cơ sở khởi tố hình sự, đề nghị xử lý hành chính, nhưng lúc đó hành vi vi phạm đã quá 24 tháng - hết thời hiệu áp dụng hình thức này.

Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật công chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức đang quy định thời hiệu xử lý trong 24 tháng kể từ thời điểm vi phạm. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp khi cơ quan chức năng phát hiện cán bộ sai phạm thì đã quá thời hiệu xử lý.

Từ đó, UBND thành phố kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra và các quy định liên quan xử lý sau thanh tra, như: tăng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra từ 15 lên 20 ngày, kết luận thanh tra từ 15 lên 30 ngày; bổ sung quy định về công khai kết luận, thủ tục niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở cơ quan, đơn vị bị thanh tra; đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra...

Trước đó, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng (5 năm với hình thức khiển trách và 10 năm với các hình thức kỷ luật khác).

Nguyên nhân là Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật công chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức đang quy định thời hiệu xử lý trong 24 tháng kể từ thời điểm vi phạm. Nhưng thực tế có nhiều trường hợp khi cơ quan chức năng phát hiện cán bộ sai phạm thì đã quá thời hiệu xử lý.

Tin bài liên quan