Hoạt động sản xuất tại Nhà máy PVTex Đình Vũ.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy PVTex Đình Vũ.

Tìm sinh khí mới cho 12 dự án thua lỗ ngành công thương

(ĐTCK) Theo thông tin cập nhật từ Bộ Công thương, mặc dù còn nhiều khó khăn trong giải quyết các vấn đề tồn đọng, song tiến trình xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành này đang có những tín hiệu tích cực. 

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Tài chính) cho biết, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ, đến nay đã giảm lỗ và từng bước phục hồi hiệu quả.

Cụ thể, tính đến cuối quý III/2018, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lãi 147,68 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung có lãi 527,2 tỷ đồng; 4 dự án còn lại đã có phương án tiết giảm chi phí sản xuất, tổ chức lại hoạt động theo hướng hiệu quả hơn để giảm lỗ.

Theo tính toán của Bộ Công thương, hiện tại, tổng dư nợ của 12 dự án đã giảm thêm 124 tỷ đồng so với đầu năm 2018, đồng thời thu hồi về khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước (chưa tính lãi từ phần vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - SCIC vào dự án Thép Thái Nguyên giai đoạn 2).

Trong số 3 nhà máy trước đây có đầu tư nhưng dừng sản xuất, dự án Nhà máy PVTex Đình Vũ, theo đánh giá của Bộ Công thương trong giai đoạn 2016-2017 là rất khó khăn, nhưng nay đã có dấu hiệu khả quan.

Hiện tại, nhà máy này đã đưa vào vận hành một số dây chuyền sản xuất và theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chính phủ về xử lý 12 dự án, chất lượng sản phẩm khá ổn định và tiêu thụ tốt. Ông Hưng cho biết, tới đây, Tập đoàn Dầu khí (PVN) sẽ tiếp tục đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất của Nhà máy PVTex Đình Vũ sau khi rà soát lại toàn bộ các vấn đề kỹ thuật.

Đối với 2 dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Miền Trung và Bình Phước, đại diện Bộ Công thương khẳng định: “Tất cả các vấn đề về công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị đã được xử lý. Khi điều kiện thị trường thuận lợi, chỉ cần ấn nút là có thể vận hành”. Với chuyển biến này, Bộ Công thương kỳ vọng có thể "về đích" năm 2018 việc xử lý cơ bản các khó khăn, vướng mắc và đến năm 2020 xử lý dứt điểm toàn bộ các tồn đọng của 12 dự án. 

Bên cạnh những tích cực, ông Hưng cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt liên quan tới việc xử lý tranh chấp tại các hợp đồng EPC.

Đơn cử, trong 3 dự án xây dựng dở dang, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang thực hiện việc định giá lại để bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho sau nhiều lần không bán được cổ phần;

Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do các cổ đông ngoài ngành chiếm tới 60,24% vốn không muốn tiếp tục triển khai dự án, trong khi PVOil chỉ sở hữu 39,76% nên không thể quyết định;

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn chưa giải quyết được tranh chấp hợp đồng EPC với tổng thầu là Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) và các nhà thầu phụ.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, trong cuộc họp mới nhất của Ban chỉ đạo Chính phủ về xử lý 12 dự án, các ý kiến đều thống nhất cần có sự phối hợp của các bộ, ngành hữu quan với các tập đoàn, tổng công ty và các chủ đầu tư, trong đó đầu mối là Bộ Tư pháp, nhằm giúp các chủ đầu tư rà soát lại toàn bộ các dự án để có phương án cụ thể, xử lý từng bước cho tranh chấp hợp đồng EPC.

“Nếu gỡ được nút thắt này sẽ có thể giải quyết được vấn đề quyết toán hoàn thành dự án và một loạt vấn đề khác theo phương án Chính phủ đã phê duyệt. Trọng tâm là cần bám sát Đề án, cũng như kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định.

Nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Chính phủ trong việc xử lý 12 dự án là kiên quyết xử lý theo hướng thị trường, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định, dứt khoát không dùng ngân sách để xử lý các tồn đọng.

“Xử lý theo thị trường là phải cắt giảm chi phí, đổi mới lại cách quản trị, những gì không hợp lý phải bỏ đi. Giá thành sản xuất phải có sức cạnh tranh để bán được sản phẩm, nếu sản xuất ra không bán được thì phải dùng biện pháp khác mạnh hơn...”, ông Tiến nói.

Cùng với đó, đại diện Cục Tài chính cũng nhấn mạnh yêu cầu công khai, minh bạch tình trạng của các dự án trong quá trình xử lý.

 “Các bộ, ngành, lãnh đạo doanh nghiệp phải nói thẳng, nói thật, thường xuyên báo cáo tiến độ xử lý. Có như vậy thì Quốc hội, Chính phủ cũng như giới chuyên gia mới nắm bắt và đưa ra được giải pháp căn cơ. Ngay vấn đề giải thể, phá sản cũng là một giải pháp tích cực nếu việc duy trì không hiệu quả”, ông Tiến nêu rõ.

Tin bài liên quan