Tìm “ông thị trường” ở… thị trường

Tìm “ông thị trường” ở… thị trường

(ĐTCK) Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khi góp ý với Ban soạn thảo Luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đã nêu quan điểm, trong các nguồn lực sử dụng góp vốn vào một dự án, nguồn lực khó xác định giá nhất chính là quyền sử dụng đất. 

Về nguyên tắc, nguồn lực phải xác định theo giá thị trường, nhưng thực tế lại không có một “ông thị trường” hiện hữu nào để hỏi giá lô đất là bao nhiêu. Do đó, ông Thanh nêu quan điểm, cách tốt nhất trước khi góp vốn là mang đấu giá quyền sử dụng đất, hay nói cách khác là tìm “ông thị trường” ở chính thị trường.

Các dự án PPP hầu hết có quy mô lớn và rất lớn, nhằm mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ công, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước. Nhà nước cần huy động các nguồn lực xã hội để bù đắp những thiếu hụt của ngân sách cho các khoản đầu tư này thông qua nhiều hình thức, trong đó có hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Tuy nhiên, một trong những bất cập nổi cộm của hình thức này là việc xác định quỹ đất đối ứng lại chưa phản ánh giá trị thị trường do không thông qua đấu giá, trong khi việc xác định địa tô chênh lệch và cơ chế phân bổ giữa các chủ thể liên quan chỉ mang tính lý thuyết, không thực hiện được.

Ðây là lý do dẫn đến nhiều nghi ngại làm dự án BT là thất thoát tài sản, đặc biệt là tài sản công và cho rằng, hình thức này hoặc phải được quy định chặt chẽ, hoặc xóa bỏ trong dự án Luật PPP mới.

Cũng liên quan đến vấn đề thị trường, tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị đình trệ trong thời gian gần đây chủ yếu nằm ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp (DN) ban đầu khi chào bán.

Bên cạnh những tài sản hữu hình, DN có nhiều tài sản vô hình như giá trị lịch sử, văn hóa, thương hiệu… mà hiện cũng không có “ông thị trường” nào để hỏi cho rõ việc định giá.

Gỡ khó cho thực tế này, phương thức dựng sổ là một giải pháp đáng cân nhắc cho các DN trong diện “không biết làm thế nào” hiện nay. Phương thức này được hướng dẫn tại Thông tư 21/2019/TT-BTC, có liệu lực từ ngày 3/6/2019.

Theo phương thức dựng sổ, DN phải mời được ít nhất 30 nhà đầu tư tổ chức tham gia cuộc giới thiệu chào bán cổ phần. Sau cuộc giới thiệu đầu tiên sẽ là những cuộc làm việc cụ thể giữa bên bán (tổ chức bảo lãnh phát hành và tổ chức phát hành) với các nhà đầu tư tiềm năng, nhằm tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua, cũng như mức giá dự kiến chào mua của từng chủ thể.

Phương thức này cho phép phía bên bán (DN) và bên mua (nhà đầu tư) cùng ở thế chủ động trong việc tìm hiểu nhau và trả giá, đúng theo nguyên tắc tìm "ông thị trường” ở thị trường, cho đến ngày chốt cuối cùng, Sở Giao dịch chứng khoán sẽ tạo sàn để ra mức giá phù hợp cho các bên.

Hiện cả nước có 53 DNNN chưa được cổ phần hóa và hàng trăm DN chưa được thoái vốn nhà nước. Trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc cổ phần hóa, thoái vốn DNNN để tạo động lực cho DN, cũng như tạo nguồn thu cho Nhà nước đang và sẽ được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.

Nếu như phương pháp dựng sổ thúc đẩy và hỗ trợ DNNN, cũng như các DN tư nhân có nhu cầu bán vốn tiếp cận sâu, rộng hơn các nhà đầu tư tiềm năng, thì cái khó của phương thức này nằm ở chỗ, “hàng bán” phải có sức hấp dẫn thì mới có người quan tâm trả giá.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam có 40% mã cổ phiếu niêm yết đang được thị trường định giá dưới mệnh giá. Thực tế này cho thấy, phương thức bán là quan trọng, nhưng đó cũng chỉ là một phương tiện, chất lượng hàng chào bán mới là yếu tố quyết định. DN phải có nội lực, có yếu tố hấp dẫn, thì “ông thị trường” mới xuất hiện và định giá khách quan.

Tin bài liên quan