Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bước vào năm 2019, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh kinh tế và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khá, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định; thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu; đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Tốc độ tăng GDP quý I năm 2019 ước đạt 6,79%, tuy vẫn là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017 nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại, trong đó: Dịch tả lợn Châu Phi là khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng của ngành, thu nhập và đời sống của người nuôi. Sản lượng tiêu thụ và giá thịt lợn giảm trong những tháng đầu năm; Hạn hán xuất hiện sớm ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; Ngành thủy sản duy trì mức tăng khá về sản lượng nhưng cũng gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự báo trong những tháng còn lại, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với khó khăn, thách thức không nhỏ đến từ nội tại của nền kinh tế, đặc biệt là: các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, trong khi dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế; công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại; ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế; thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức về nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;
Hoàn thiện thể chế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tuy đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhưng còn gặp rất nhiều thách thức lớn trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Xu hướng đô thị hóa với sự di cư của người dân ra thành phố đang tạo nên sức ép về hạ tầng, môi trường và an sinh xã hội, già hóa dân số với tốc độ nhanh chóng tạo áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.
Tuy nhiên, về góc độ tổng cầu, mức tăng trưởng kinh tế cao và sự ổn định của kinh tế vĩ mô năm 2018 tạo điều kiện nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân, tác động tích cực tới tâm lý tiêu dùng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành dịch vụ, nhất là hoạt động bán lẻ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, ăn uống, lưu trú.
Bên cạnh đó, tình hình xuất, nhập khẩu cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ sự nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong nước và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang tạo ra sức hút mới với đầu tư từ nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực, tăng thêm năng lực sản xuất.
Về đầu tư, tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018, thu hút đầu tư toàn xã hội tiếp tục tăng, nhất là đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước là tín hiệu tích cực, đem lại những cơ hội mới, không chỉ các khoản đầu tư mới mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thế giới, khu vực và kinh tế - xã hội trong nước 4 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xác định tinh thần kiên định mục tiêu đề ra đầu năm, nỗ lực tận dụng mọi cơ hội cả trong và ngoài nước, tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hết sức lưu tâm, bám sát tình hình, tuyệt đối không chủ quan, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra;
Quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đề ra, nhất là 4 trọng tâm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, các nhiệm vụ cụ thể tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Nghị quyết và chỉ đạo khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.