Thủ tướng: Dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban. Ảnh VGP

Thủ tướng: Dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban. Ảnh VGP

Thủ tướng: Toàn xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban quản lý vốn nhà nước

(ĐTCK) Sau nhiều tháng thai nghén chuẩn bị, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt tại Hà Nội chiều 30/9, chính thức tiếp nhận 19 tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước với trên 2,3 triệu tỷ đồng giá trị tài sản.

Theo Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên.

Theo quy định tại Nghị định, Ủy ban sẽ chính thức tiếp quản 19 đơn vị là các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo đó chính thức nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước trên 1 triệu tỷ đồng tổng vốn chủ sở hữu Nhà nước, tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỷ đồng từ 19 tập đoàn, tổng công ty theo giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước tính đến ngày 31/12/2017. 

Cụ thể 7 tập đoàn là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).

12 tổng công ty là: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe). 

Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc ra mắt Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp. 

“Toàn xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong việc đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Để có thể xây dựng một ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban tập trung nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả; tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất; xây dựng mục tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả của từng bộ phận, từng cán bộ, từng quy chế nội bộ, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực.

 Ảnh: VGP

Ủy ban cần có thước đo đánh giá kết quả của từng tập đoàn, từng doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động. 

Ủy ban phải đi trên con đường chuyên nghiệp, hiện đại, thúc đẩy cải cách nâng cao hiệu quả toàn diện hệ thống doanh nghiệp nhà nước chứ không được theo lối mòn của cơ quan hành chính trước kia như quan liêu, gây phức tạp cho các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc.

“Tôi từng xuống xem trực tiếp nỗ lực ban đầu Ủy ban trong xây dựng cơ sở thông tin, quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Quản lý theo cách mới không chỉ xuống trực tiếp doanh nghiệp, mà phải qua hệ thống thông tin, trạng thái, thị trường của doanh nghiệp, phải áp dụng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu. Ủy ban cần hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ hàng đầu để áp dụng công cụ quản lý doanh nghiệp nhà nước theo công nghệ 4.0. Từ đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhà nước trực thuộc”, Thủ tướng chỉ đạo.

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng Chỉnh phủ, Ủy ban phải xây dựng chiến lược, xác định chỉ tiêu hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp.

Ủy ban phải thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới.

Ủy ban phải chủ động nghiên cứu tìm người đại diện phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, quản lý và phát triển nguồn vốn, không được để nguồn vốn teo tóp. Doanh thu doanh nghiệp nhà nước năm sau phải cao hơn năm trước.

Ủy ban góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo sự khác biệt trong kinh doanh, khắc phục tồn tại hạn chế. Sau một năm hoạt động, Ủy ban phải đáng giá kết quả thực hiện. 

Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền quản lý nếu thấy cần thiết; tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tốc độ nhanh hơn, chất lượng hơn; thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đi sâu nghiên cứu phát triển, liên tục nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh để từng tập đoàn, tổng công ty thuộc ủy ban trở thành hình mẫu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo các tiêu chí quản trị toàn cầu. 

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại yêu cầu cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp; giám sát tình trạng thất thoát vốn nhà nước, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Ủy ban cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý và sử dụng vốn nhà nước, quản lý người đại diện, cơ chế chính sách đầu tư vốn nhà nước phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tình hình kinh tế thị trường đang thay đổi rất nhanh.

Trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; báo cáo kịp thời Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc. 

“Trong quá trình chuyển giao, các bộ ngành, địa phương phải hợp tác, phối hợp để hoàn thiện nhanh thủ tục hồ sơ và không được để xảy ra khoảng trống pháp lý trong quá trình bàn giao, tránh phức tạp, cần làm chặt chẽ, đúng người đúng việc. Tăng cường công tác công khai, minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp, tránh thất thoát lãng phí, tham nhũng, sân trước, sân sau”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, trong quá trình thành lập, Uỷ ban luôn nhận được sự chỉ đạo và ý kiến từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ, sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương.

Mặc dù, ban đầu số lượng cán bộ còn hạn chế, chủ yếu là các cán bộ biệt phái từ một số bộ, ngành và SCIC, nhưng với sự nỗ lực và triển khai đồng bộ nhiều công việc đã đảm bảo sẵn sàng đưa Uỷ ban vào hoạt động chính thức ngay khi nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được Chính phủ ban hành.

Dự kiến, khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ kết nối để cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên, liên tục, phấn đấu giám sát đầy đủ tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Cũng tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại buổi lễ ra mắt, Ủy ban đã cùng với 5 Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại điện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban.

Tin bài liên quan