Thủ tướng đồng ý đầu tư 3.535 tỷ đồng xây tuyến nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3

Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 dài 3,4 km, rộng 60 m sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP. Hà Nội.
UBND Tp. Hà Nội ước tính cần sử dụng khoảng 39,39 ha đất cho Dự án trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.039 tỷ đồng.

UBND Tp. Hà Nội ước tính cần sử dụng khoảng 39,39 ha đất cho Dự án trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.039 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 141/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3.

Theo đó, Dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 đi qua địa bàn quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì  với chiều dài khoảng 3,4 km (tính cả chiều dài các nút giao); bề rộng mặt cắt ngang đường chính là 60 m (bao gồm 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp tại 2 đường đô thị song hành, giải phân cách giữa, phân cách bên, vỉa hè hai bên).

Điểm đầu tuyến đường tại điểm cuối nhánh rẽ phải từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào đường 70 thuộc nút giao Tứ Hiệp (nhánh N1A) và điểm cuối là nút giao với đường Vành đai 3.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.535,1 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố Hà Nội, thời gian thực hiện từ năm 2020 đên năm 2022.

Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3, cũng như tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, đảm bảo tính khả thi của dự án và tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định và phê duyệt Dự án theo quy định của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ và các quy định của pháp luật.

Được biết, tuyến đường kết nối từ đường Pháp Vân – Cầu Giẽ đến đường Vành đai 3 là một phần của tuyến trục đô thị (TĐ4) kết nối các tuyến trục giao thông cửa ngõ quan trọng của thành phố Hà Nội như: đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, QL.1, QL.6, đường Lê Văn Lương.

Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư đoạn tuyến sẽ giảm tải lưu lượng qua nút giao Pháp Vân, đường Vành đai 3, hạn chế ùn tắc giao thông tại vị trí bến xe nước Ngầm, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông khung của Tp. Hà Nội, hỗ trợ phát triển đô thị, kinh tế xã hội khu vực phía Nam, Đông Nam của thành phố nên việc nghiên cứu đầu tư đoạn tuyến là cần thiết.

Tin bài liên quan