Vốn đầu tư nước ngoài hiện là một phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Vốn đầu tư nước ngoài hiện là một phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Chí Cường

Thu hút và sử dụng dòng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030: Lỡ cơ hội nếu khống chế mức trần

Thời gian tới, vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có thể được khống chế ở mức 20 - 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, đây là vấn đề đang còn nhiều tranh cãi.

Bao nhiêu là hợp lý?

Các mục tiêu thu hút và sử dụng dòng vốn ĐTNN đến năm 2030 đã được xây dựng. Trước các ý kiến cho rằng, khu vực ĐTNN đang khiến khu vực trong nước bị lép vế, Ban Soạn thảo Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030” đã tiếp thu, bổ sung một mục tiêu đáng chú ý, đó là tỷ lệ vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì ở mức bình quân khoảng 20 - 25%.

Song, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề trên. Với những người nhìn ĐTNN dưới góc độ tiêu cực, thì thậm chí con số này vẫn còn khá cao và phải kiềm chế hơn nữa để tạo không gian cho doanh nghiệp trong nước.

Nhưng với góc nhìn tích cực về ĐTNN, với mức trần như vậy, Việt Nam có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, đặc biệt trong việc thu hút các tập đoàn hàng đầu thế giới, vì tốc độ giải ngân của các tập đoàn này thường rất nhanh, kể cả các dự án có tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD.

Trao đổi vấn đề này, TS. Đào Hoàng Tuấn, Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Chính sách và Phát triển) cho rằng, việc đánh giá đóng góp của ĐTNN nên đặt trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn của thế giới.

Theo ông Tuấn, với việc đặt ra những mục tiêu định lượng như tỷ lệ vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội duy trì bình quân khoảng 20 - 25%, trong trường hợp dòng vốn đầu tư toàn cầu bị thắt chặt, chúng ta tốn rất nhiều chi phí ưu đãi, xúc tiến cũng không thể đẩy lên được ngưỡng đặt ra. Tuy nhiên, ở những thời điểm dòng vốn bùng nổ, Việt Nam có thể thu hút được rất nhiều, vậy tại sao lại tìm cách ngăn ở mức trần. Điều này chưa hợp lý về khía cạnh lợi ích kinh tế.

Chia sẻ vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng góp ý, Ban Soạn thảo cần tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế để có thể đưa ra mục tiêu phù hợp. “Cần xem xét, đánh giá qua kinh nghiệm quốc tế có như thế không, như Singapore vốn ĐTNN chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng cũng có một số quốc gia tỷ lệ này rất thấp. Con số này lấy ở đâu ra, hay lấy từ chính kinh nghiệm của chúng ta qua các giai đoạn vừa rồi?”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng góp ý.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng lưu ý, nếu chiếu theo 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam thì cũng đã có sự khác biệt. Những thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm, trong khi Bình Dương, Đồng Nai xu hướng vẫn tiếp tục tăng.

“Nếu chúng ta ấn định chỉ 20 - 25%, trong trường hợp có nhà đầu tư lớn đầu tư tại Việt Nam, dự án trong 1 năm có thể giải ngân đến 10 tỷ USD, 20 tỷ USD, lúc đấy vượt ngưỡng, thì chẳng lẽ chúng ta từ chối. Ta đưa ra như vậy sẽ rơi vào nhiều tình huống tự ta trói chân ta”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.

Có nên lượng hóa các mục tiêu?

Đánh giá một số mục tiêu khác của Đề án như năng lượng tiêu hao trên một đơn vị giá trị sản lượng của khu vực ĐTNN thấp hơn mức trung bình cả nước; giá trị tăng thêm của khu vực ĐTNN trong GDP tăng cao hơn mức trung bình cả nước; giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo của khu vực ĐTNN trong GDP tăng cao hơn mức trung bình cả nước…, ông Hoàng Xuân Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, mục tiêu ở đây vẫn chung chung, chưa bám theo các chỉ tiêu đánh giá về ĐTNN. Theo ông, cần xây dựng mục tiêu theo chỉ số của ĐTNN qua từng thời kỳ đánh giá để có thể lượng hóa thành mục tiêu cụ thể.

Trước quan điểm có nên định lượng các mục tiêu hay không, bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Việt Nam có thể đặt ra tiêu chí lợi ích ròng đối với quốc gia dựa trên một số yếu tố như ảnh hưởng đến mức độ hoạt động kinh tế, việc làm, sử dụng tài nguyên, dịch vụ được sản xuất trong nước và xuất khẩu từ nội địa…

Tuy nhiên, theo bà Quỳnh, trong mọi trường hợp, không nên đưa con số cụ thể, vì trong bối cảnh kinh tế thế giới liên tục biến động như hiện nay, nếu có những tác động xấu, chúng ta không thể có ngay một nghị quyết khác để phù hợp với tình hình, đặc biệt đây là Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Chia sẻ thêm về quan điểm của ông Hoàng Xuân Hòa, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, mục tiêu, định hướng thời gian tới có thể không xây dựng theo con số cụ thể. Tuy nhiên, có thể thay thế bằng tỷ trọng ĐTNN trong mức đảm bảo, để vừa thúc đẩy sản xuất trong nước, vừa đảm bảo các vấn đề an ninh - quốc phòng…

Theo ông Thắng, nếu cần thiết, thực sự bắt buộc phải đưa ra các mục tiêu cụ thể, thì việc đưa ra con số về suất đầu tư/ha đối với từng ngành, từng địa phương là có thể khả thi.

“Có thể, chúng ta đưa ra hàng rào đối với từng địa phương, vùng phát triển, khi suất đầu tư phải cao hơn mức bình quân. Hay đối với các dự án bình thường ở những vùng không khuyến khích thì ít nhất cũng phải bằng mức bình quân tối thiểu suất đầu tư cả nước. Đối với vùng sâu, vùng xa cũng không thể thấp hơn mức bình quân tối thiểu này. Có chăng, có thể đưa được những con số như thế. Còn nếu đưa vào số liệu quá chi tiết để xây dựng mục tiêu là rất khó”, Thứ trưởng chia sẻ.

Trao đổi về Đề án "Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận ĐTNN với “động cơ” chính là thu hút công nghệ cao, lao động chất lượng cao, chủ động thu hút ĐTNN và phân cấp mạnh mẽ cho các chính quyền địa phương để thu hút các tập đoàn đa quốc gia “xây tổ”; chuyển tư duy thu hút đầu tư theo quy mô vốn sang tiêu chí dựa vào hiệu quả giá trị gia tăng của dòng vốn ĐTNN.

Với diện tích 33 vạn km2, mật độ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước ta còn quá nhỏ, do vậy, cần tiếp tục thu hút FDI. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế tốt hơn nữa để thu hút FDI chất lượng cao, lan tỏa tốt, chúng ta cũng cần tiếp tục thu hút FDI để giải quyết việc làm cho người dân, có sản phẩm phục vụ nội địa và xuất khẩu.

- Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 20/2/2019.

Tin bài liên quan