Thu hút và giải ngân vốn FDI lập “đỉnh” mới

Một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019, đó là cả thu hút và giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đều rất tích cực. Vốn đăng ký đạt đỉnh trong vòng 10 năm trở lại đây - đạt 38 tỷ USD, còn vốn giải ngân thiết lập kỷ lục mới, với 20,38 tỷ USD.
Thu hút đầu tư nước ngoài chính là một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019. Trong ảnh: Nhà máy của USM (Nhật Bản) tại Hà Nam. Ảnh: Đức Thanh

Thu hút đầu tư nước ngoài chính là một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019. Trong ảnh: Nhà máy của USM (Nhật Bản) tại Hà Nam. Ảnh: Đức Thanh

“Đỉnh” mới được thiết lập

Một điều chắc chắn, thu hút đầu tư nước ngoài chính là một điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2019. Báo cáo vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là 16,75 tỷ USD, vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là 15,47 tỷ USD.

Nhìn lại tình hình thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua, có thể nói, con số trên 38 tỷ USD là rất đáng ghi nhận. Năm 2008, sau 1 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt, đạt 72 tỷ USD. Đây là kỷ lục rất khó để “xô đổ”.

Năm đó, rất nhiều dự án tỷ USD được cấp chứng nhận đầu tư. Chẳng hạn, Dự án Thép Vinashin - Lion (Malaysia), 9,8 tỷ USD; Liên hợp Thép Formosa, 7,9 tỷ USD; Lọc dầu Nghi Sơn, 6,2 tỷ USD; Dự án New City 4,3 tỷ USD… Nhưng không ít dự án trong số này là dự án ảo, sau đó không lâu thì “đứt gánh giữa đường”. Bởi thế, sau này, ngay cả cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài cũng rất ít nhắc đến kỷ lục của năm 2008 như một thành tựu rất đáng ghi nhận.

Nếu bỏ kỷ lục 72 tỷ USD của năm 2008 sang một bên, thì con số 38 tỷ USD chính là “đỉnh” mới. Đây là con số cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hơn nữa, xu hướng đầu tư những năm gần đây cho thấy, đây đều là các dự án “thật”, ít có chuyện đăng ký dự án “ảo” như những năm trước đây.

Nhưng quan trọng hơn cả, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân năm 2019 đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018. Đây là con số kỷ lục, mà trong hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam mới có thể có được. Nếu như khoảng 10 năm trước, giải ngân vốn FDI chỉ quay quanh con số khoảng 10 tỷ USD, thì nay lần đầu tiên, đã chạm ngưỡng 20 tỷ USD.

“Đây là khoản tiền vào túi thật của nền kinh tế, nên rất có ý nghĩa”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói và khẳng định, đây chính là một điểm sáng của thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay.

“Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ”, Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định.

Định hình xu hướng mới

Nhìn lại tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019, có thể thấy, xu hướng đầu tư mới được định hình khá rõ. Đó là đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần đang tăng rất mạnh.

Năm 2019, trong tổng vốn đầu tư trên 38 tỷ USD, vốn FDI chỉ là 22,55 tỷ USD. Phần còn lại là của vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, qua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Thực tế, ngoài vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng 56,4% so với năm 2018, thì cả vốn cấp mới và tăng thêm đều thấp hơn so với năm trước. Chính sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần đã “kéo” đầu tư nước ngoài tăng 7,2% so với năm trước.

Thừa nhận xu hướng này, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần đang tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, năm 2017, đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký; năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký; còn năm nay, đã tăng lên 40,7%.

Xu hướng lớn đến nỗi, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, đã đến lúc cần có chính sách “nắn dòng” vốn ngoại, theo hình thức FDI hay M&A.

“Cần đánh giá toàn diện kết quả thu hút đầu tư nước ngoài năm 2019, nhất là qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, xem xét các thương vụ M&A lớn để thấy rõ mặt được, chưa được, từ đó rút ra bài học về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài giai đoạn tới”, ông Phan Hữu Thắng bày tỏ quan điểm.

Thu hút và cả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài là rất tích cực trong năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, vẫn còn nhiều điều đáng chú ý. Chẳng hạn, quy mô dự án FDI đăng ký mới đang có xu hướng giảm xuống, chỉ còn 4,3 triệu USD, so với mức 5,9 triệu USD của năm ngoái.

Ngay cả các dự án tăng thêm cũng vậy. Trong năm 2019, quy mô điều chỉnh vốn của các dự án khá nhỏ, bình quân chỉ 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, nhỏ hơn mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh.

Và một điểm khác, dù vốn FDI giải ngân là kỷ lục, song theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã xuất hiện xu hướng giảm tốc. Năm 2017, vốn FDI thực hiện tăng 10,7% so với năm 2016, năm 2018 tăng 9,1% so với năm 2017, nhưng năm nay chỉ còn tăng 6,7% so với năm ngoái. Đây là xu hướng rất đáng chú ý.

Một số dự án FDI quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư và điều chỉnh năm 2019

Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào Công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp 3,85 tỷ USD.

Dự án Công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 650 triệu USD, tại TP.HCM.

Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 420 triệu USD tại Hà Nội.

Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.

Dự án Công ty TNHH Wanna Explore Travel (Ai Cập), tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD tại TP.HCM, để thực hiện dịch vụ lữ hành.

Tin bài liên quan