Khu công nghiệp Deep C là điểm đến của nhiều dự án đầu tư tại Hải Phòng.

Khu công nghiệp Deep C là điểm đến của nhiều dự án đầu tư tại Hải Phòng.

Thu hút FDI vào Hải Phòng, Hải Dương tăng mạnh

Năm 2018, Hải Phòng thu hút được hơn 2,5 tỷ USD vốn FDI, vượt 100% kế hoạch năm và gấp 2,7 lần so với năm 2017. Trong khi đó, Hải Dương thu hút 605,1 triệu USD, tăng 53,8% so với năm 2017.
Năm 2018, TP. Hải Phòng thu hút được 104 dự án cấp mới đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 644,664 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước; điều chỉnh tăng vốn 45 dự án, với 1,859 tỷ USD. Các dự án vẫn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, với 149 dự án, vốn đầu tư đạt 2,504 tỷ USD.

Mới đây, Tập đoàn Ren A Port (Bỉ) đã đầu tư thêm hơn 150 triệu USD xây dựng KCN Deep C3 tại đảo Cát Hải và vừa đưa vào hoạt động KCN Deep C2 với tổng vốn đầu tư 141 triệu USD... Tính hết năm 2018, Hải Phòng có 612 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư là 16,891 tỷ USD.

Ông Phạm Văn Mợi, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn (các cơ chế ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân dành cho khu kinh tế ven biển), nên đã thu hút đầu tư tốt. Bên cạnh đó, Hải Phòng đã tập trung đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án cơ sở hạ tầng tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, KCN Tràng Duệ, KCN Đình Vũ, KCN hỗ trợ chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc.

Năm 2018 cũng là một năm thành công với tỉnh Hải Dương khi thu hút đầu tư nước ngoài đạt 605,1 triệu USD, tăng 53,8% so với năm 2017. Trong đó, cấp mới cho 43 dự án với vốn đăng ký 235,7 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 48 dự án với số vốn tăng thêm 369,4 triệu USD (tăng 37,1% về số dự án và tăng gấp 2,5 lần về số vốn tăng thêm so với cùng kỳ). Một số dự án vốn khá như Dự án phát triển công nghiệp BW (42,3 triệu USD), Dự án xử lý rác thải, phát điện (45 triệu USD); Dự án Sản xuất dây điện bằng nhôm dùng trong ngành sản xuất ô tô (28 triệu USD), Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm từ giấy của Công ty Leo Paper Bags Manufacturing (1982) Limited của Hồng Kông (40 triệu USD)...

Vốn đầu tư tăng thêm tập trung ở các dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc với 150 triệu USD, chiếm 47%, Hồng Kông 60,4 triệu USD, chiếm 18,9%, còn lại là các dự án từ Anh, Nhật Bản... Số dự án tăng vốn lớn như Công ty TNHH Kefico (tăng thêm 120 triệu USD), Chi nhánh Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng (tăng 22,8 triệu USD), Dự án May Tinh Lợi (tăng 49,2 triệu USD)... Tính đến hết năm 2018, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 395 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 7,672,1 tỷ USD.

Năm 2018, có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại địa bàn tỉnh Hải Dương. Nhìn chung, các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư vẫn tập trung chủ yếu vào một số nhà đầu tư quen thuộc như British Virgin Islands, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...

Trong số các dự án được cấp năm 2018, nhà đầu tư British Virgin Islands có số vốn đầu tư nhiều nhất, chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư cấp mới; Hàn Quốc đứng thứ 2 về vốn, chiếm 16,2% tổng vốn cấp mới và đứng đầu về số dự án cấp mới, chiếm 33,3%. Lĩnh vực đầu tư của các dự án cấp mới chủ yếu tập trung vào công nghiệp (chiếm 80,7%, với một số ngành nghề như may mặc, lắp ráp đồ chơi, lắp ráp linh kiện, sản xuất sản phẩm nhựa, xử lý rác thải); dịch vụ (chiếm 19,2%); nông nghiệp (chiếm 0,1%).

Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho biết, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút đầu tư từ các nền kinh tế lớn, có tiềm lực về vốn, công nghệ. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất cây, con giống ứng dụng công nghệ sinh học, bảo quản và chế biến nông sản, công nghệ sạch, công nghiệp phụ trợ; lắp ráp ô tô, kết cấu thép, các thiết bị điện tử, điện lạnh, các thiết bị thông tin - viễn thông, lĩnh vực logistics, du lịch, tài chính...

Trong tổng số 644,66 triệu USD vốn FDI mà Hải Phòng thu hút được năm 2018, có 375,32 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, chiếm 58,22% tổng vốn FDI đăng ký.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư chiếm 31,11% tổng vốn FDI đăng ký. Các lĩnh vực còn lại chỉ chiếm 10,67% vốn FDI đăng ký với vốn đầu tư đạt khoảng 69 triệu USD.

Đến hết năm 2018, có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Hải Phòng, trong đó, Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 205,31 triệu USD, chiếm 31,85% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng thứ 2, với 174,19 triệu USD, chiếm 27,02% tổng vốn đầu tư...

Tin bài liên quan