Thu hút FDI khu vực phía Nam giảm

Thu hút FDI khu vực phía Nam giảm

Dù thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nhiều địa phương khu vực phía Nam chưa được như kỳ vọng do thiếu các dự án lớn, nhưng bù lại, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước.

Thiếu vắng dự án lớn

Đó là gam màu chủ đạo trong thu hút vốn FDI tại nhiều địa phương phía Nam trong 6 tháng đầu năm, khiến dòng vốn này chưa đạt như kỳ vọng.

Dự án lớn nhất có thể nhắc đến là Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư vừa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép cuối tháng 5/2018.

Dự án này có vốn đầu tư đăng ký hơn 1,2 tỷ USD, góp phần lớn nhất trong tổng số vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu là 1,93 tỷ USD, xếp thứ 3 của cả nước. 

Cũng cần nhắc lại rằng, dự án này đã được nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư từ cách đây hơn 1 năm và khi đó đã có những thông tin là sẽ sớm được cấp phép.

Trong khi đó, các địa phương vốn luôn nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu về thu hút FDI như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… lại có rất ít các dự án lớn, nhất là các dự án có vốn đầu tư đăng ký từ 50 - 100 triệu USD trở lên.

Chẳng hạn, tỉnh Bình Dương đã cấp phép cho 2 dự án kinh doanh dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp do Tập đoàn Tài chính Warburg Pincus (Hoa Kỳ) liên doanh với Becamex IDC đầu tư tại Khu công nghiệp Bàu Bàng và Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 135,2 triệu USD.

Với Đồng Nai, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là Nhà máy sản xuất của Tập đoàn Bosch (Đức) tại Khu công nghiệp Long Thành tăng vốn thêm 71 triệu USD.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phú Hữu Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, vốn FDI vào Bình Dương chỉ bằng 45% so với cùng kỳ năm trước. Lý do là bởi, từ đầu năm đến nay có rất ít dự án lớn được cấp phép.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư các dự án có quy mô vốn trên 50 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2017 chiếm tới 73% tổng vốn đầu tư đăng ký cùng kỳ, thì chỉ tiêu này trong năm nay chỉ chiếm chưa tới 18,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đó cũng là lý do mà Bình Dương bị văng khỏi Top 3 trong bảng tổng sắp các địa phương thu hút vốn FDI của cả nước trong 6 tháng đầu năm.

Quy mô đầu tư nhỏ, tăng hình thức thâu tóm

Phân tích cụ thể hơn về tình hình thu hút vốn FDI của các địa phương, với các dự án mới được cấp phép, dễ nhận thấy, không chỉ thiếu vắng các dự án lớn, mà quy mô vốn đầu tư của các dự án cũng đang có xu hướng giảm.

Cụ thể, tỉnh Bình Dương cấp phép mới cho 90 dự án với tổng vốn đầu tư là 424,4 triệu USD (quy mô đầu tư bình quân khoảng 4,7 triệu USD/ dự án).

Đồng Nai cấp mới 54 dự án với tổng vốn 420,3 triệu USD (quy mô đầu tư bình quân khoảng 7,7 triệu USD/ dự án).

Trong khi đó, TP.HCM là địa phương luôn dẫn đầu cả nước trong thu hút vốn FDI thì tỷ lệ quy mô đầu tư bình quân của dự án trong 6 tháng đầu năm lại ở mức rất thấp.

Cụ thể, TP.HCM đã cấp phép mới cho 483 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 486,53 triệu USD (quy mô đầu tư bình quân khoảng hơn 1 triệu USD/ dự án).

Tuy nhiên, có một vấn đề, có thể coi là điểm sáng trong thu hút vốn FDI vào các địa phương phía Nam hiện nay, đó là, các nhà đầu tư nước ngoài tăng thâu tóm các doanh nghiệp có vốn trong nước thông qua góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp.

Về vấn đề này, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Thành phố chấp thuận cho 1.421 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 3,28 tỷ USD (so với cùng kỳ, bằng 134,6% về số trường hợp và 153,7% về vốn đầu tư).

Thực ra, xu hướng này đã xuất hiện từ vài năm nay, tập trung nhiều tại TP.HCM và trong các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, thương mại dịch vụ…

Đáng chú ý là, tháng 4 năm nay, hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Hanshin Properties Corp. và Nishi Nippon Railroad đã rót 7.676 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long theo tỷ lệ 50 - 50 để thực hiện Dự án Khu đô thị Akari City tại quận Bình Tân (TP.HCM). Dự án này được xây dựng trên diện tích 8,5 ha, với quy mô 4.600 căn hộ, tổng diện tích sàn lên tới 539.000 m2.

Theo ông Minh, hình thức đầu tư này của các doanh nghiệp nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng tại Bình Dương.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Bình Dương đã chấp thuận cho 44 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị vốn góp đăng ký là 95,8 triệu USD.

“Trong số này, có 27 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài tham gia các dự án hoạt động ngoài các khu công nghiệp, chủ yếu đầu tư hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ”, ông Minh cho biết.

Tin bài liên quan