Cần có tư duy mới để đón đầu và đón bắt được dòng vốn FDI mới. Ảnh: Đức Thanh

Cần có tư duy mới để đón đầu và đón bắt được dòng vốn FDI mới. Ảnh: Đức Thanh

Thu hút FDI: Hành động nhanh và mạnh hơn

Dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang sụt giảm, nhưng không thể “nằm im” chờ đại dịch đi qua, mà đã đến lúc, phải có những hành động nhanh và mạnh hơn.

Tín hiệu vui

Càng ngày, càng nhìn thấy rõ những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới thu hút FDI của Việt Nam. Con số được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 13,88 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới là 7,44 tỷ USD, vốn tăng thêm là 3,45 tỷ USD, còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần là gần 3 tỷ USD.

Tuy nhiên, không quá khó để nhận ra, khoản vốn này trên thực tế chỉ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, còn nếu so với các năm trước, vẫn có xu hướng tăng rất tích cực. 5 tháng đầu năm 2016, Việt Nam chỉ thu hút được 10,1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Con số này của 5 tháng năm 2017 là 12,1 tỷ USD, còn của 5 tháng năm 2018 là 9,9 tỷ USD.

Và thực tế, sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 5 tháng qua chủ yếu cũng đến từ sự sụt giảm của khoản vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần - 3 tỷ USD so với 7,65 tỷ USD. Vốn FDI cấp mới và tăng thêm của 5 tháng qua vẫn tăng so với con số đạt được của 5 tháng đầu năm ngoái, là 6,46 tỷ USD vốn cấp mới và 2,63 tỷ USD vốn tăng thêm.

Sự tăng trưởng đó, theo lý giải của Cục Đầu tư nước ngoài, chủ yếu là nhờ Dự án Điện khí Bạc Liêu, 4 tỷ USD, của nhà đầu tư Singapore, một dự án đã được đàm phán từ lâu. Dù vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, các hoạt động xúc tiến đầu tư, ra quyết định đầu tư đều đang phải tạm ngừng, thì đây cũng là một tín hiệu vui.

Tín hiệu vui hơn nữa, khi thông tin những ngày gần đây cho biết, Panasonic sẽ dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam. Apple và các đối tác của họ, Nintendo… cũng là những cái tên nằm trong danh sách này. Thậm chí, nhiều nguồn tin cho biết, có ít nhất 20 nhà sản xuất Nhật Bản đang cân nhắc việc di dời sản xuất tới Việt Nam. Và đây là những dấu hiệu cho thấy, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là có thật.

Hành động nhanh và mạnh hơn

Không chỉ là dịch chuyển, thông tin cho biết, một nhà đầu tư Đài Loan đang muốn đầu tư một dự án công nghệ cao quy mô 4 tỷ USD tại Bắc Giang. Và để đón đầu dự án này, Bắc Giang đang muốn phát triển một khu công nghiệp mới có quy mô khoảng 500 ha. Không chỉ là dự án này, còn nhiều dự án quy mô khác cũng đang “xếp hàng” để chờ “cái gật đầu” của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Điều đó cho thấy, Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư hấp dẫn. Tuy vậy, có một thực tế được các chuyên gia thừa nhận, dù xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc là khá rõ ràng, nhất là sau những ảnh hưởng của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19, song điều này khó xảy ra ngay trong ngắn hạn.

Một bằng chứng rất rõ ràng, đó là năm ngoái, bất chấp những ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung, đầu tư vào Trung Quốc vẫn đạt gần 140 tỷ USD. Trung Quốc chỉ đứng thứ hai, sau Mỹ, về thu hút FDI. Và 4 tháng đầu năm nay, dù chịu tác động của Covid-19, FDI vào Trung Quốc đã giảm, nhưng chỉ trong tháng 4/2020, tức là ngay sau khi nước này kiểm soát được dịch bệnh và bắt đầu khôi phục sản xuất - kinh doanh, thì họ đã thu hút được 11,68 tỷ USD vốn FDI. Điều này cho thấy, dòng vốn FDI sẽ chưa chuyển ngay ra khỏi Trung Quốc, hoặc ít nhất, chưa dịch chuyển một cách ồ ạt.

Mặc dù vậy, cơ hội là có thật. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để đón làn sóng đầu tư mới, khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất sau đại dịch Covid-19.

Chính vì vậy, cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về giải pháp thu hút FDI ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần “tiến công, chủ động hơn”, để tranh thủ dòng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng.

Theo kế hoạch, một tổ công tác đặc biệt sẽ được thành lập để đón làn sóng đầu tư mới này. Cùng với đó, sẽ có một đề án về các giải pháp để thu hút FDI sau đại dịch Covid-19.

Nếu cứ “bình bình”, trì trệ, không đổi mới, thì khó thành công

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về giải pháp thu hút FDI ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nếu cứ “bình bình”, theo cách làm cũ, trì trệ và không đổi mới thì khó thành công. Vì vậy, cần có tư duy mới để đón đầu và đón bắt được dòng đầu tư mới này. Tư duy mới là phải nghĩ xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía. Và trong bối cảnh các nước khác cũng đang cạnh tranh thu hút đầu tư quyết liệt, thì Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh hơn để thu hút có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, cũng như nguồn nhân lực…

Tin bài liên quan