Thu hút FDI: Định hướng mới cho kỷ nguyên mới

Thu hút FDI: Định hướng mới cho kỷ nguyên mới

Tổng kết 30 năm thu hút FDI cũng là lúc để Việt Nam đưa ra những định hướng mới trong thu hút FDI giai đoạn tới. Vậy đâu mới là những định hướng quan trọng trong thu hút FDI của kỷ nguyên mới?

Liên quan đến vấn đề xây dựng định hướng chiến lược trong thu hút FDI kỷ nguyên mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định rõ định hướng hoàn thiện chính sách về FDI là: 

“Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh FDI, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Tăng cường thu hút FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động. Khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao,…

Có cơ chế linh hoạt đối với các dự án đặc thù. Khuyến khích thành lập các trung tâm nghiên cứu triển khai của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”.

Quán triệt tinh thần Đại hội lần thứ XII, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế, cải cách hành chính, tư pháp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế;

Đảm bảo vận hành hiệu quả các loại thị trường; thúc đẩy thị trường hóa các nhân tố sản xuất; tập trung khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước…

Đồng thời, xác định rõ mục tiêu thu hút và sử dụng vốn FDI phải đi vào thực chất hơn, cả về số lượng và chất lượng, theo cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng chiều sâu;

Đảm bảo phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới, sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và trình độ, năng lực sáng tạo của lực lượng lao động Việt Nam…

Theo đó, tới đây, định hướng thu hút và sử dụng nguồn vốn ĐTNN cần được điều chỉnh theo định hướng sau:

Thứ nhất, về ngành, lĩnh vực, ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo;

Du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

Thứ hai, về đối tác, cần tập trung vào thu hút FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.

Trong ngắn hạn, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Đồng thời, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

Bên cạnh đó, chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ một số nước trong khu vực để có giải ngăn chặn kịp thời.

Ngoài ra, việc thu hút FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, tận dụng lợi thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút FDI.

Thứ ba, về địa phương, vùng, thu hút FDI phải phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường.

Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút thu hút FDI cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Quốc hội quyết định thành lập khi điều kiện chín muồi.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ thúc đẩy phát triển và nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo sự liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

“Cùng với việc triển khai thực hiện đồng bộ nội dung các Nghị quyết của Đảng nêu trên, việc tổng kết, đánh giá 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam dịp này sẽ là cơ sở để Đảng, Nhà nước đề ra định hướng, chính sách mới trong thu hút và sử dụng có hiệu quả FDI cho giai đoạn tiếp theo.

Với chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan, tin tưởng chắc chắn rằng, sự nghiệp thu hút FDI sẽ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ và FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan