TPP đã được ký kết tại New Zealand tháng 2/2016.

TPP đã được ký kết tại New Zealand tháng 2/2016.

Thời điểm trình Quốc hội phê chuẩn TPP được 'cân nhắc kỹ'

Thủ tướng giao Bộ trưởng Công thương chuẩn bị công việc liên quan đến xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với đề nghị cân nhắc kỹ thời điểm trình Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa giao các bộ trưởng, thủ tưởng cơ quan ngang bộ chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, dự kiến khai mạc 20/10.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Công thương chuẩn bị công việc liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu, đồng thời cân nhắc kỹ thời điểm trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn cho phù hợp với tình hình thực tế trong nước và quốc tế. 

Trong báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, ngày 13/9, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp 3 nội dung, bao gồm việc xem xét, phê chuẩn TPP. Dự kiến tại phiên họp thứ 4 (tháng 10/2016), trên cơ sở xem xét hồ sơ của Chính phủ và ý kiến thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung hay không bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2.

Hiện trong dự kiến chương trình kỳ họp gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, nội dung liên quan đến TPP được Tổng thư ký Quốc hội đề nghị "chưa bố trí".

thoi-diem-trinh-quoc-hoi-phe-chun-tpp-duoc-can-nhac-ky-1
Theo cam kết gia nhập TPP, Việt Nam phải sửa đổi nhiều quy định trong Bộ luật lao động.

Trong diễn biến liên quan, ngày 28/9, ông Nguyễn Mạnh Cường (Trưởng nhóm đàm phán về lao động trong TPP, Bộ Lao động thương binh xã hội), cho biết Ban soạn thảo dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) phải hoàn thành dự thảo bước đầu vào tháng 11, do vậy sức ép về mặt thời gian vô cùng lớn.

Theo ông Cường, nếu không trình được dự thảo Bộ luật này lên Chính phủ vào tháng một năm sau, sẽ không kịp trình Quốc hội vào tháng 5/2017, dẫn tới việc Việt Nam khó đưa Bộ luật có hiệu lực vào đầu năm 2018. Trong khi đó, đây là thời điểm dự kiến 12 nước thành viên sẽ phê chuẩn TPP, và nếu như Việt Nam chưa kịp thời sửa đổi Bộ luật lao động thì TPP sẽ không có hiệu lực tại Việt Nam.

Theo cam kết TPP, Việt Nam phải sửa đổi 7 điều trong Bộ luật lao động, 11 điều trong Luật công đoàn và 5 Nghị định. 

Về phía Mỹ, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực để TPP có thể được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi ông Obama kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1 năm sau. 

Hiệp định TPP đã được đại diện 12 nước thành viên tuyên bố hoàn tất đàm phán hồi đầu tháng 10 năm ngoái. TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, được đàm phán từ tháng 3/2010. 12 quốc gia thành viên gồm Mỹ, Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.

Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo TPP, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tháng 11/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Việt Nam và tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của họ tại cơ sở doanh nghiệp. Các tổ chức này sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động, và chỉ được hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật”.

Theo kết quả đàm phán giữa Việt Nam và 11 thành viên trong TPP, riêng Việt Nam được có thời gian chuẩn bị năm năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực, tức khoảng bảy năm kể từ khi ký hiệp định, để thực hiện cam kết này.

Tin bài liên quan