Thêm nhiều động lực thúc đẩy kinh tế năm 2019

Năm 2018, nhờ nhiều động lực khác nhau, GDP đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 11 năm qua - tăng 7,08%. Các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2018 liệu có tiếp tục phát huy trong năm 2019 để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8% là câu hỏi được Báo Đầu tư đặt ra với ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Đánh giá lại tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng năm 2018, theo ông, động lực nào giúp nền kinh tế tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2007?

Đây là thành quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế theo chiều hướng tích cực. Cơ cấu kinh tế Việt Nam năm 2018 tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra ở các ngành kinh tế, mà những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi trong nội bộ ngành cũng diễn ra tích cực.

Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ loại cây có giá trị thấp sang loại cây có giá trị cao hoặc nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả rõ rệt. Cơ cấu sản xuất được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường. Một số nông sản lớn, chủ lực đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, bảo đảm đứng vững khi hội nhập quốc tế.

Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm. Khu vực dịch vụ được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Trong đó, một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như dịch vụ y tế, bảo hiểm.

Có thể khái quát lại, động lực tăng trưởng GDP năm 2018 là gì, thưa ông?

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tốt và ổn định hơn do các điều kiện sản xuất thuận lợi. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì tốc độ tăng trưởng cao với sự đóng góp đa dạng từ nhiều ngành. Hoạt động xây dựng năm 2018 nhìn chung tăng trưởng khá, với nhiều cải thiện mạnh mẽ về điều kiện kinh doanh xây dựng; đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ xin cấp phép xây dựng; thực hiện hệ thống thông tin cấp phép xây dựng trực tuyến, quản lý hồ sơ trực tuyến cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng.

Các ngành dịch vụ thị trường duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, ấn tượng nhất là sự bứt phá của ngành du lịch, năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam đón trên 15,4 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn nhiều so với mức 13 triệu lượt khách của năm 2017. Đạt được thành tích này là do Việt Nam đã có nhiều chính sách về thu hút khách quốc tế như miễn thị thực cho các nước Tây Âu từ năm 2018 đến năm 2021, thay vì miễn từng năm một như trước, thí điểm cấp visa điện tử cho 40 nước và vùng lãnh thổ…

Động lực tăng trưởng GDP năm 2018 còn phải kể đến sự đóng góp tích cực của tiêu dùng hộ dân cư và thặng dư cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa; thị trường lao động ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Ông có cho rằng, những động lực phát triển năm 2018 sẽ tiếp tục phát huy trong năm 2019?

Tôi cho rằng, những động lực tăng trưởng của năm 2018 sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Ví dụ, ngành nông nghiệp đang cơ cấu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường tiêu thụ như thủy sản (nhất là tôm nước lợ), rau, hoa quả, các loại cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm sản; giảm các ngành hàng, sản phẩm đang có xu hướng tăng cung như lúa gạo; tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao trong tổng sản lượng sản xuất và hàng xuất khẩu như thủy sản, đồ gỗ... và không có lý do gì năm 2019 lại không tiếp tục.

Tương tự, Nhà máy chế biến Tanifood; Tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu Long An (giai đoạn I); Nhà máy Chế biến chanh leo, rau, củ quả Tây Bắc; Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai; Nhà máy Chế biến rau quả Doveco; Nhà máy Chế biến quả và đồ uống nước hoa quả công nghệ cao Sơn La; Nhà máy ép dầu thực vật Dabaco; Nhà máy giết mổ lợn tập trung (Bắc Ninh, Nam Định); Tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam... đã hoàn thành và đi vào vận hành năm 2018, không có lý do gì lại không tiếp tục phát huy hiệu quả trong năm 2019 và các năm tiếp theo.

Hay như, nhờ đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liên tục, đời sống nhân dân tại 31 tỉnh được cải thiện, 32 tỉnh ổn định, thu nhập bình quân đầu người quân giai đoạn 2016-2018 tăng 6,2% (theo giá so sánh năm 2010) đạt 3,76 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, tiêu dùng cuối cùng hộ dân cư duy trì tốc độ tăng cao ổn định, là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế năm 2018 và các năm trước đó, thì không có lý do gì không tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng cao trong năm nay.

Duy trì được động lực tăng trưởng, ông có tin rằng, năm 2019 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8% như Nghị quyết 01/NQ-CP (ngày 1/1/2019) đã đặt ra?

Không chỉ duy trì được động lực tăng trưởng của năm 2018, mà năm 2019 còn có thêm nhiều động lực mới.

Đó là các nhà máy hoàn thành năm 2018 và chỉ mới đi vào khai thác sẽ hoạt động hết công suất trong năm nay như Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Thái Bình và Nhiệt điện Vĩnh Tân với tổng công suất đạt 3.645 MW/năm. Công nghiệp chế biến, chế tạo đã bổ sung nhiều năng lực mới, trong đó nổi bật là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Lò luyện cốc gang thép Formosa 2; Nhà máy Xử lý khí hóa lỏng Cà Mau; Dự án tổ hợp Samsung Display Việt Nam; Nhà máy LG Innoteck; Tổ hợp nhà máy VinFast; Nhà máy sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất...

Trong năm 2019, dự kiến có nhiều dự án, công trình lớn đi vào hoạt động như Tổ hợp Nhà máy VinFast tại Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư 70.300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2019; Dự án Nhà máy điện sông Hậu có tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2019; Dự án giao thông Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng vốn đầu tư 12.200 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành tháng 2/2019; Dự án Đường cao tốc La Sơn - Túy Loan có tổng vốn đầu tư 11.500, dự kiến hoàn thành tháng 5/2019; Nhà máy Chế biến nông sản VSIP Hải Dương; Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi công nghệ cao Nutrico Hà Tĩnh; Nhà máy dừa tươi Kim Thành... Đây là động lực bổ sung quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2019.

Tin bài liên quan