Sân bay Điện Biên hiện chỉ khai thác được các máy bay cỡ nhỏ với chặng bay ngắn. Ảnh: A.M

Sân bay Điện Biên hiện chỉ khai thác được các máy bay cỡ nhỏ với chặng bay ngắn. Ảnh: A.M

Thế kẹt của Dự án Cảng hàng không Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00
Việc nâng cấp sân bay Điện Biên lên quy mô 2 triệu lượt hành khách/năm, đón được tàu bay A320/321 có nguy cơ rơi vào thế bế tắc.

Lý do là đơn vị được lựa chọn đầu tư không nhận được sự đồng thuận của cổ đông chi phối.

Hiệu quả tài chính thấp

Quan điểm khá cứng rắn của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) liên quan đến tính khả thi của Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (Dự án) thực sự là một “gáo nước lạnh” dội vào hy vọng khởi công công trình ngay trong năm nay của cả Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (ACV), UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Giao thông - Vận tải.

Trong Công văn số 1121/UBQLV-CNHT gửi người đại diện phần vốn nhà nước tại ACV - đơn vị được chọn là nhà đầu tư Dự án, CMSC đề nghị ACV tổng hợp, báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải quan điểm của Ủy ban đối với Dự án.

Cụ thể, ACV phải đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải làm rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay của Cảng hàng không Điện Biên; đối với phần đầu tư nhà ga theo quy mô mới phải nêu rõ theo tính toán hiện nay sẽ không sử dụng hết công suất; đặc biệt, việc đầu tư Dự án không hiệu quả về tài chính.

“Trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định giao ACV đầu tư Cảng hàng không Điện Biên, Bộ Giao thông - Vận tải cần làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý đối với việc giao ACV thực hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ đầu tư khu bay, trong đó nêu rõ việc đầu tư Dự án không hiệu quả về tài chính của doanh nghiệp; không phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp về việc đầu tư bảo toàn vốn và phát triển nguồn vốn”, công văn do bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch CMSC ký nêu rõ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo CMSC đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu, xem xét phương án báo cáo cấp có thẩm quyền sử dụng vốn ngân sách nhà nước đầu tư khu bay trước. Sau đó, trên cơ sở thực tế khai thác mới xem xét, đánh giá và đề xuất thời điểm phù hợp để cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới nhà ga theo quy hoạch như đã áp dụng mô hình tại Cảng hàng không Cát Bi, Cảng hàng không Cam Ranh.

Theo quan điểm của CMSC, đến thời điểm hiện tại, các khu bay của 21 cảng hàng không đang giao ACV quản lý (trong đó có Cảng hàng không Điện Biên) chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển thành tài sản của ACV. Việc đầu tư các hạng mục khu bay thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải. Vì vậy, CMSC cho rằng, việc ACV đề nghị sử dụng nguồn vốn doanh nghiệp để đầu tư khu bay tại Cảng hàng không Điện Biên là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan quy mô đầu tư Nhà ga Cảng hàng không Điện Biên, CMSC cho biết, công suất nhà ga hiện hữu là 300.000 lượt khách/năm, trong khi số lượng khách hàng năm cao nhất là 81.804 lượt vào năm 2014 và đang có xu hướng giảm dần, trong đó, năm 2019 chỉ còn 57.339 lượt hành khách (tương đương 20% công suất).

Vì vậy, CMSC đánh giá, việc ACV đề xuất công suất nhà ga 2 triệu lượt hành khách/năm, gấp 7 lần công suất hiện tại và gấp 35 lần sản lượng khai thác thực tế của năm 2019 là chưa thực sự phù hợp, đặc biệt chưa rõ khả năng cân đối vốn đầu tư khu bay thuộc tài sản công do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý, chưa đảm bảo việc đầu tư đồng bộ.

Điều đáng quan ngại nhất, theo CMSC, là công trình không hiệu quả về tài chính. Cụ thể, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đối với các hạng mục do ACV đầu tư chỉ đạt đạt 6%; giá trị hiện tại ròng (NPV) chỉ đạt 321 triệu đồng cho dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng; thời gian hoàn vốn hơn 50 năm.

Nguy cơ lắm mối

Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, CMSC đưa ra những nhận xét rất trực diện liên quan đến tính khả thi của Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, đặc biệt là quy mô đầu tư công trình.

Cần phải nói thêm, với việc đang nắm 94,5% vốn điều lệ, CMSC có tiếng nói quyết định đến các dự án đầu tư lớn của ACV, trong đó có Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.

Trước đó, trong Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về việc triển khai một số dự án quan trọng, cấp bách ngành giao thông - vận tải, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, đối với Dự án sân bay Điện Biên, Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Điện Biên, CMSC có văn bản trình Thủ tướng xem xét, quyết định giao ACV triển khai đầu tư, trong đó làm rõ thuận lợi, khó khăn và phương án triển khai thực hiện.

Trong văn bản giải trình CMSC vào cuối tháng 4/2020, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV cho biết, việc Cảng hàng không Điện Biên chỉ khai thác được các tàu bay nhỏ như ATR72 với các chặng bay ngắn, không mở được các đường bay thẳng trực tiếp đến các trung tâm kinh tế lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, kết nối quốc tế là nguyên nhân dẫn đến lưu lượng hành khách qua cảng hàng không này liên tục sụt giảm.

“Nếu mở rộng khu bay đón được tàu bay A320/A321, thì lượng hành khách qua sân bay Điện Biên có thể đạt 650.000 lượt khách/năm ngay trong năm 2025, nên việc đầu tư nâng công suất nhà ga lên 2 triệu lượt hành khách/năm là cần thiết”, ông Thanh cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị ACV khẳng định, mặc dù Dự án không hiệu quả tài chính, nhưng với tư cách là đơn vị đang khai thác 22 sân bay trên khắp cả nước, trong trường hợp thực hiện đầu tư sân bay Điện Biên, ACV vẫn có thể cân đối trên toàn mạng lưới cảng hàng không, đảm bảo hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

Theo đề xuất sơ bộ của ACV gửi tới các cơ quan chức năng vào cuối năm 2019, sân bay Điện Biên sẽ được xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400 mm x 45 m, 2 đường lăn kết nối, có khả năng đón được máy bay A320/A321 hoặc tương đương; một nhà ga hành khách mới với 2 cao trình đáp ứng 2 triệu lượt hành khách/năm và các hạng mục phụ trợ; xây dựng sân đỗ với 6 vị trí đỗ tàu bay A320/A321 hoặc tương đương; đài kiểm soát không lưu kết hợp với trung tâm điều hành chỉ huy bay; đài dẫn đường VOR/DME.

Khái toán tổng mức đầu tư Dự án sân bay Điện Biên là 4.787 tỷ đồng, trong đó, các hạng mục khu bay là 1.400 tỷ đồng; các hạng mục hàng không dân dụng 1.700 tỷ đồng; các hạng mục công trình đảm bảo điều hành bay dự kiến là 155 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 1.532 tỷ đồng do UBND tỉnh Điện Biên thực hiện.

ACV đề xuất sẽ dùng vốn doanh nghiệp để đầu tư các công trình khu hàng không dân dụng và công trình khu bay; các công trình đảm bảo điều hành bay sẽ do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư bằng vốn doanh nghiệp nhà nước; kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ do UBND tỉnh Điện Biên đảm nhận bằng vốn ngân sách địa phương. Tính tổng cộng phần vốn mà ACV tham gia trực tiếp vào Dự án này khoảng 3.091 tỷ đồng.

Được biết, ACV chính là hy vọng lớn nhất của cả UBND tỉnh Điện Biên và Bộ Giao thông - Vận tải tại dự án này. Trước đó, Vietjet cũng từng đề xuất tham gia Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên. Tuy nhiên, theo xác nhận của một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, trong 2 năm trở lại đây, ngoài một bản đề xuất tóm tắt, Vietjet không tiến thêm một bước nào để cụ thể hóa đề xuất triển khai dự án khó khăn này.

Theo ông Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai Dự án, địa phương này sẽ huy động đủ hơn 1.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, chậm nhất là đầu năm 2021.

“Đây là khoản đầu tư rất lớn đối với tỉnh nghèo, có nguồn thu thấp như Điện Biên. Song với mong muốn đầu tư giao thông trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế, văn hóa - xã hội, thu hút các nhà đầu tư và du khách quốc tế đến Điện Biên, phục vụ du khách quốc tế, nhân dân cả nước tới thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ…, cấp ủy, chính quyền, nhân dân Điện Biên đã đồng lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, dành ưu tiên cao nhất để thực hiện Dự án”, ông Sơn khẳng định.

Sân bay Mường Thanh hay còn gọi là sân bay Điện Biên nay thuộc phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Đây vốn là sân bay dã chiến hồi năm 1954, một căn cứ tiếp vận rất quan trọng của Pháp và cũng là sân bay trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Năm 1958, vận tải hàng không dân dụng chính thức được mở tại sân bay Điện Biên và do quân đội đảm nhiệm, nhưng các chuyến bay còn rất ít.

Đến năm 1984, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tuyến bay Hà Nội - Điện Biên bằng máy bay AN24, AK40... được khôi phục. Sau 10 tháng khai thác, do các điều kiện kỹ thuật không cho phép, ngày 30/1/1995, đường bay đã bị cắt để sửa chữa đường cất hạ cánh. Sau khi sửa chữa, sân bay Điện Biên đã hoạt động trở lại và máy bay là loại ATR72.

Năm 2004, Cảng hàng không Điện Biên được đầu tư mở rộng sân đỗ máy bay diện tích 12.000 m2 đảm bảo cho 4 vị trí máy bay đỗ. Nhà ga hành khách với diện tích sử dụng 2.500 m2, đủ năng lực phục vụ hai chuyến bay ATR72, tương đương 300 hành khách/giờ cao điểm.

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết của Bộ Giao thông - Vận tải, sân bay Điện Biên sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế. Giai đoạn đến năm 2020, Cảng có công suất 300.000 lượt hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm, với 3 vị trí đỗ phục vụ các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Định hướng đến năm 2030, Cảng có công suất 2 triệu lượt hành khách/năm, 10.000 tấn hàng hóa/năm, với 6 vị trí đỗ tàu bay, gồm 3 vị trí cho tàu bay ATR72 và 3 vị trí cho tàu bay A320.

Tin bài liên quan