Tham nhũng gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng, nhưng mới thu hồi được 4.600 tỷ đồng

(ĐTCK) “10 năm qua, chỉ tính riêng thiệt hại về vật chất do tham nhũng gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gần 60.000 tỷ đồng, nhưng số tiền thu hồi được cho nhà nước chỉ hơn 4.600 tỷ đồng...”, Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội), phát biểu khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sáng nay (21/11).

Đông nhưng không mạnh

“Thực tiễn đấu tranh các tội phạm tham nhũng cho thấy sự móc nối, liên kết giữa khu vực công và khu vực tư để thực hiện hành vi tham nhũng ngày một phổ biến…”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) nêu ý kiến.

Ông Khánh cho rằng, tham nhũng hiện không còn dừng lại ở quan niệm truyền thống là sản phẩm của khu vực công mà là tệ nạn, căn bệnh chung của toàn xã hội, không phân biệt ở khu vực công hay khu vực tư. Hành vi tham nhũng ở khu vực tư thường xuất hiện như hối lộ, đòi hoa hồng, lại quả, bồi dưỡng... Như vậy tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước không khác gì khu vực công.

Tham nhũng diễn biến phức tạp như vậy, nhưng theo Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Nếu tính tổng các tổ chức, đơn vị chuyên trách và Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, thì ở nước ta hiện có đến 478 đầu mối chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém.

10 năm qua, chỉ tính riêng thiệt hại về vật chất do tham nhũng gây ra đã là đặc biệt nghiêm trọng, gần 60.000 tỷ đồng, nhưng số tiền thu hồi được cho nhà nước chỉ hơn 4.600 tỷ đồng, chưa bằng 8% thiệt hại do tham nhũng gây ra.

Tham nhũng gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng, nhưng mới thu hồi được 4.600 tỷ đồng ảnh 1

 Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) 

“Để khắc phục hạn chế bất cập trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các quy định xác định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hệ thống cơ quan phòng, chống tham nhũng…”, ông Hà đề xuất.

Từ phân tích trên, ông Khánh cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề mới nên cần phải mở rộng từng bước, trước mắt chỉ đối với một số lĩnh vực và những chế định phù hợp để đảm bảo vừa đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng khu vực tư, vừa không gây khó khăn, cản trở cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức kinh tế ngoài nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng đồng tình mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Thực tế hiện nay tình hình tham nhũng trong khu vực tư hay khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện dưới nhiều hình thức, có sự liên kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư, làm ảnh hưởng đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh, đầu tư...

Tuy nhiên đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lại có ý kiến khác khi không tán thành hướng mở rộng như trên, thay vào đó nên buộc kê khai tài sản đối với những người bắt đầu được bổ nhiệm vào ngạch công chức...

Nên công khai tài sản của cán bộ cho dân biết

Liên quan đến một giải pháp quan trọng là kê khai tài sản, đại biểu Nguyễn Văn Khánh nhìn nhận, dự thảo luật đưa ra hai phương án về đối tượng kê khai tài sản thu nhập.

Phương án 2 thể hiện việc thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập. Trong đó chỉ áp dụng đối với đối tượng có hệ số chức vụ 0,7 trở lên ở trung ương, 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 nhưng trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Thực tế những đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 nhưng là những người có chức vụ, quyền hạn được bố trí ở những địa bàn, cơ quan có cơ sở kinh tế - xã hội phát triển... rất dễ bị lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi… Do đó, phương án hai là không phù hợp.

Nếu tính tổng các tổ chức, đơn vị chuyên trách và Văn phòng Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, thì ở nước ta hiện có đến 478 đầu mối chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, nhưng công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng vẫn còn hạn chế, yếu kém.

Với phương án 1, dự thảo luật mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngành, người được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,2 trở lên. Như vậy, bao gồm cả công chức cấp xã... Việc chọn phương án 1 là phù hợp.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) có ý kiến khác, khi cho rằng với phương án 1 dự thảo mở rộng phạm vi người kê khai là chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng nếu thu hẹp đối tượng theo phương án 2 lại dễ bỏ sót đối tượng.

“Tôi thống nhất với đề nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và một số đại biểu là trước mắt giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào số đối tượng và giữ vị trí quan trọng ở Trung ương, địa phương, những khu vực có nguy cơ tham nhũng cao để có điều kiện kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian qua...”, ông Hiền nói.

Ông Hiền nhìn nhận, thực tế cho thấy bảng kê khai tài sản mới chỉ công khai trong nội bộ nên tính minh bạch không cao. Do đó, về tinh thần sửa đổi của luật lần này nên sửa đổi theo hướng bảng kê khai tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai, minh bạch trước nhân dân, trước hết tại nơi cư trú hợp pháp và nơi công tác thường xuyên của người kê khai.

Tin bài liên quan