Tập trung kiểm toán môi trường

Hôm nay (19/9), Đại hội Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) chính thức khai mạc và tập trung thảo luận chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. “Đây là chủ đề do chủ nhà Việt Nam đề xuất và đã nhận được sự nhất trí rất cao của tất cả các thành viên ASOSAI”, ông Hồ Đức Phớc, Tổng kiểm toán Nhà nước chia sẻ.
Tập trung kiểm toán môi trường

Phải chăng, do Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, nên mới chọn chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” cho Đại hội ASOSAI 14, thưa ông?

Không chỉ Việt Nam, mà bất cứ khu vực nào trên thế giới cũng đang bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy, tại Đại hội ASOSAI 14, Việt Nam, với tư cách là nước chủ nhà, đã đề xuất chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” để Đại hội thảo luận.

Chủ đề này nhận được sự quan tâm rất lớn và được sự đồng thuận rất cao của tất cả các thành viên ASOSAI, bởi ở đâu có hoạt động sản xuất thì ở đó có ảnh hưởng, tác động tới môi trường thiên nhiên, môi trường sống, vì vậy, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu. 

Kiểm toán môi trường là phương cách hữu hiệu để tìm ra những bất cập, tồn tại, hạn chế trong chấp hành pháp luật về môi trường, chỉ ra những tác động tiêu cực tới môi trường của hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam mới chỉ quan tâm kiểm toán môi trường trong vài năm gần đây, nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán nội dung này. Qua thảo luận của các thành viên tại ASOSAI 14, chúng tôi hy vọng học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tập trung kiểm toán môi trường nhằm góp phần thực hiện chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá của Đảng và Nhà nước?

Đúng vậy. Cũng như tất cả các nước đang phát triển khác, Việt Nam rất cần tăng trưởng kinh tế để giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, tăng thu nhập và đời sống cho người dân.

Việt Nam cũng rất cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài làm động lực phát triển kinh tế, nhưng Đảng và Nhà nước kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Thực hiện chủ trương này, thời gian tới, phải tập trung kiểm toán hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, nhằm ngăn chặn dự án đầu tư sử dụng công nghệ, thiết bị, máy móc lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm. Nếu không quan tâm kiểm toán nội dung này, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ.

Môi trường bị ô nhiễm, suy thoái không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, mà là vấn đề toàn cầu, vì vậy, sau ASOSAI 14, cơ quan kiểm toán tối cao các nước châu Á sẽ tập trung kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế là chủ trương đã được đặt ra từ lâu, vậy vì sao bây giờ KTNN mới quan tâm đến kiểm toán môi trường?

Thực ra, KTNN đã kiểm toán môi trường từ lâu, nhưng thực hiện nhỏ lẻ, vì đây là chuyên đề rất phức tạp, rất mới mẻ với Việt Nam. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian, nhân lực, tâm huyết tập trung kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững với rất nhiều chuyên đề, đầu mối.

Cụ thể, năm 2017 và 2018, chúng tôi đã tập trung kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2014 - 2016 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương và một số tỉnh, thành phố;

Kiểm toán việc quản lý, khai thác, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp gắn liền với công tác bảo vệ môi trường tại một số tỉnh; kiểm toán giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại TP.HCM;

Kiểm toán công tác quản lý môi trường tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh; kiểm toán dự án xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng sông Mekong giai đoạn 2014 - 2017…

KTNN vừa trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Kế hoạch Kiểm toán năm 2019. Thưa ông, năm 2019, KTNN có tiếp tục tập trung kiểm toán môi trường?

Chúng tôi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự thảo Kế hoạch Kiểm toán năm 2019 tại Phiên họp thứ 27. Sau khi tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi sẽ lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành hữu quan, hoàn thiện Kế hoạch Kiểm toán năm 2019 và trình Quốc hội cho ý kiến trước khi ban hành.

Trong kế hoạch dự kiến, chúng tôi sẽ kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí môi trường đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước tại Hà Nội từ năm 2014 đến 2018; kiểm toán chuyên đề đầu tư xây dựng hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ năm 2016 đến năm 2020;

Kiểm toán Dự án Thủy lợi phát triển nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kiểm toán cấp phép quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản từ năm 2013 đến 2018 tại Nghệ An và Hà Tĩnh; kiểm toán công tác quản lý, xử lý chất thải đô thị của Hà Nội, trong đó tập trung vào chất thải rắn, nước thải đô thị và cấp thoát nước; kiểm toán nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững.

Ngoài ra, KTNN thực hiện kiểm toán một số dự án liên quan đến môi trường như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn, Thủy điện Sông Bung 2; kiểm toán quản lý môi trường, khai thác khoáng sản của tỉnh Quảng Ninh và 8 dự án cấp nước đô thị các tỉnh phía Bắc theo đề nghị của Ngân hàng Thế giới.

Đặc biệt, năm 2019, chúng tôi có kế hoạch tập trung kiểm toán việc quản lý nhập khẩu phế liệu, phế thải từ nước ngoài vào Việt Nam. Trong quá trình kiểm toán, chúng tôi sẽ kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước về việc tăng cường quản lý phế liệu gây tác động xấu tới môi trường.

Tin bài liên quan