Những tờ báo viết về doanh nghiệp, doanh nhân nghiêm túc luôn có không gian tăng trưởng.

Những tờ báo viết về doanh nghiệp, doanh nhân nghiêm túc luôn có không gian tăng trưởng.

Tạo động lực để doanh nghiệp có thêm “đôi cánh”

(ĐTCK) Nền kinh tế có biến đổi ra sao dưới tác động công nghệ thì vai trò quan trọng của các cây bút báo chí vẫn không thể bị phủ nhận. Việc tìm kiếm các nguồn lực tăng trưởng, động lực mới, phản ánh các bất cập, xu hướng hiện đại của nền kinh tế vẫn luôn cần đến vai trò của nhà báo.

Báo chí tháo gỡ trói buộc cho doanh nghiệp

Trong một cuộc tọa đàm báo chí viết về kinh tế, nhiều góc nhìn thẳng thắn đã được đưa ra, mổ xẻ để thấy rằng, những tác động của dòng chảy kinh tế và thời đại số đang ảnh hưởng lớn đến các nhà báo, tòa soạn báo và mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp - cơ quan quản lý.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận xét, chẳng hạn khi viết về hội nhập, các nhà báo nên tìm hiểu kỹ, sâu hơn các cam kết của từng hiệp định, nhìn ra các xu hướng mới có thể tác động đến cộng đồng doanh nghiệp, thay vì chỉ cung cấp thông tin chung chung theo phong trào.

Thậm chí các tòa soạn nên có lớp đào tạo cho các nhà báo. Hiện nay, nhiều tờ báo thường mắc bệnh chung là truyền đạt ý kiến chuyên gia không chính xác, phản ánh các câu chuyện doanh nghiệp một cách nhạt nhòa, hời hợt. Chính phủ cũng cần quan tâm hơn tới thông tin báo chí, bởi báo chí nửa vời thì người quản lý khó nắm thông tin chính xác, nhanh chóng.

“Đưa tin chính xác hóa bằng văn phong đơn giản để doanh nghiệp ít thời gian cũng có thể đọc, nắm bắt được sẽ là một thách thức của báo chí trong kỷ nguyên của các hiệp định thương mại tự do (FTA)”, ông Thành nêu quan điểm.

Theo TS. Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, báo chí viết về doanh nghiệp, kinh tế nên tiếp cận, đặt ra các vấn đề để Chính phủ giải quyết. Doanh nghiệp ở góc độ nào đó cũng cần gây áp lực lên Chính phủ, để đòi hỏi nhà lãnh đạo phải hành động.

Đây là 2 đối tác chứ không phải mối quan hệ cấp trên - cấp dưới. Bao giờ doanh nghiệp Việt Nam không phải hành động trên tư thế “xin chút không khí để sống” thì mới có nhiều biến chuyển trong nền kinh tế. Theo đó, phản ánh từ báo chí sẽ góp phần tháo gỡ trói buộc cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ có thêm dư địa phát triển.

“Nhiều doanh nghiệp trao đổi với chúng tôi rằng, họ rất mong báo chí có cách tiếp cận để dẫn tới những chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều trường hợp chi phí ngầm không phải dưới gầm bàn mà ngang nhiên diễn ra trên mặt bàn. Phải làm sao để môi trường kinh doanh sáng lên chứ không tù mù nữa”, ông Thiên cho biết.

Tại nhiều diễn đàn khác, cùng chung trăn trở như nhiều doanh nghiệp nhưng với góc nhìn của người trong cuộc, ông Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, báo chí phải vào cuộc phản ánh những vấn đề, câu chuyện với mục tiêu tháo gỡ trói buộc cho doanh nghiệp, cổ vũ những câu chuyện kinh doanh minh bạch.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh nhiều lần rằng, cần những cách đưa tin bài có tâm, bền bỉ và hướng đến mục tiêu chung. Các nhà báo “đi cùng” chuyên gia phân tích có tình, có lý, đưa ra các vấn đề một cách đồng bộ sẽ đạt được hiệu quả và có tính thuyết phục cao.

Chẳng hạn, trước đây, câu chuyện về mũ bảo hiểm gây nhiều tranh cãi, nhưng năm 2008, việc sử dụng mũ bảo hiểm đã thành công khi đưa vào cuộc sống, dù những quy định pháp luật không có gì thay đổi. Dù đã góp phần tạo nên thành công của việc đưa mũ bảo hiểm vào cuộc sống, nhưng sau đó, báo chí không theo tiếp câu chuyện, ví dụ chất lượng mũ bảo hiểm hiện tại ra sao; cũng không chú ý phản biện các góc khuất của tình trạng này.

Bên cạnh đó, việc đồng hành cùng doanh nghiệp là cùng tiến bước cả thời điểm thuận lợi và khó khăn, phản ánh thông tin trung thực ở nhiều góc nhìn. Dẫn ra ví dụ về câu chuyện của BOT, ông Kiên cho biết, theo thống kê sơ bộ, từ năm 2017 đến nay, có không dưới 20.000 bài báo viết về BOT mà phần lớn là “chê”, phản ánh với giọng điệu bức xúc, tiêu cực. BOT Cai Lậy dừng 1 năm nhưng không báo nào đề cập, gỡ khó cho doanh nghiệp, luôn giữ góc nhìn doanh nghiệp “ăn cắp tiền của dân”. Vậy thử hỏi tinh thần động viên doanh nghiệp ở đâu? Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng phải thốt lên: “Đừng để cứ thấy BOT là xấu!”.

Vốn là người xuất hiện khá nhiều trên báo chí, ông Kiên tự nhận mình là người ít bị vạ miệng, chuyện mà nhiều đại biểu quốc hội rất e ngại. Ông chia sẻ, nhiều tờ báo giật tít không ăn nhập với nội dung, khiến không ít vị đại biểu quốc hội rơi vào thế khó sau khi gặp gỡ báo chí, thậm chí khiến mối quan hệ giữa đại biểu và Chính phủ trở nên nặng nề.

Một kỷ niệm mà vị đại biểu quốc hội này vẫn nhớ mãi là vào tháng 5/2018, Ủy ban Kinh tế thẩm định báo cáo kinh tế năm 2017 dài 27 trang, báo cáo 9 trang trước quốc hội, các mặt làm được chỉ hơn 1 trang, còn lại là các kiến nghị. Sau đó có sự không nhất trí ở một vài điểm giữa Quốc hội và Chính phủ trong một buổi thảo luận, vậy là có báo giật tít: “Ủy ban Kinh tế xin lỗi Chính phủ”.

“Chúng tôi xem lại băng, đâu có từ nào như thế, còn Chính phủ thì “sôi sùng sục”. Đưa tin bài như thế là rất ẩu”, ông Kiên nói.

Luôn cần những tuyến bài chất lượng

Nhà báo Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, trong thời đại cạnh tranh gay gắt như hiện nay, các cơ quan báo chí phải làm mới mình. Trong quá trình này, thách thức lớn nhất là phải nắm bắt thông tin, phân tích được cho các doanh nghiệp thấy rõ cơ hội và thách thức về hội nhập. Tuy nhiên, có một thực trạng là không ít báo còn lơ mơ về kinh tế nên “phán bừa”. Bên cạnh đó là tâm lý chống doanh nghiệp thâm căn cố đế của truyền thông, cái gì mới ra đều phản biện và có xu hướng chống lại. Vì thế, nhiều doanh nghiệp ngại lộ diện, sợ xuất hiện sẽ “bị ghét, bị hành”.

Ở góc nhìn của người cầm bút và cả người làm công tác quản lý, nhà báo Lê Thiêm Tuyến, Báo Sài Gòn Giải Phóng nhìn nhận, tìm kiếm được doanh nghiệp là những hạt giống tốt để viết, để phản ánh rất khó. Viết phản biện cho ra đầu, ra đũa lại càng khó, nhưng không vì thế mà nhà báo được phép dễ dãi.

“Tôi thấy gần đây các tuyến bài có trọng lượng, phản biện, điều tra ít. Thậm chí có hiện tượng phản biện để “câu like”, không phải vì cái chung. Các nhà báo viết rất lớt phớt”, cây bút có nhiều năm kinh nghiệm thẳng thắn chia sẻ.

Bản thân ông Tuyến cũng rất trăn trở với những câu chuyện bị gây khó dễ của không ít bạn bè làm kinh doanh như đăng ký thương hiệu nước mắm mất gần 1 năm chưa xong, hay xin đất để làm trang trại trồng nấm Linh Chi sao khó thế? Chính phủ đã bớt 50% các điều kiện nhằm đơn giản hóa thủ tục kinh doanh, nhưng liệu các bộ ngành có dám cam kết tiến hành một cách minh bạch hay không, thực tế triển khai như thế nào? Rất ít nhà báo đi tìm câu trả lời cho những vấn đề này.

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo cho rằng, doanh nghiệp và báo chí phải đồng hành trong thời đại số, bởi khủng hoảng có thể xuất hiện bất ngờ và dồn dập. Tuy hiện tại có hiện tượng “đánh hội đồng” doanh nghiệp, nhưng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh, bởi vẫn có nhiều cơ quan báo chí đặt tôn chỉ làm báo nghiêm túc, chuyên nghiệp lên hàng đầu. Báo chí muốn tồn tại và phát triển rốt cuộc vẫn cần phải cung cấp thông tin chính thống, khách quan, trung thực. Trong khi đó, doanh nghiệp phải cùng hợp tác với báo chí để nắn chỉnh những thông tin sai lệch.

Trên bước đường nuôi dưỡng, bồi đắp mối quan hệ đồng hành báo chí - doanh nghiệp, không phải mọi chuyện luôn suôn sẻ, hay trải đầy hoa hồng. Đôi lúc sẽ là những ổ gà, ổ voi khấp khểnh, nhưng nếu cùng chung một niềm tin, vì doanh nghiệp, xã hội phát triển, những tờ báo viết về doanh nghiệp, doanh nhân nghiêm túc chắc chắn vẫn có không gian tăng trưởng, dù thách thức từ môi trường số đang buộc họ phải đổi mới cách làm, để giữ nguyên các giá trị của thông tin.

Tin bài liên quan