Hàm lượng giá trị gia tăng từ hoạt động kinh tế đang có xu hướng giảm

Hàm lượng giá trị gia tăng từ hoạt động kinh tế đang có xu hướng giảm

Tăng trưởng kinh tế quý II: Khó vượt 6%

(ĐTCK) Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý I/2017 vừa được Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II được dự báo sẽ cao hơn quý I, song mức tăng vẫn dưới 6%, trong khi thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng do tăng nhu cầu đầu tư và nhập khẩu…

Nhận định về yếu tố khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2017 suy giảm mạnh xuống mức 5,12%, Báo cáo cho rằng, một trong những nguyên nhân là do khu vực công nghiệp-xây dựng suy giảm rõ nét.

Giá trị gia tăng của khu vực này chỉ tăng 4,17%, đặc biệt phân ngành công nghiệp khai khoáng giảm 10% do ngành dầu khí điều chỉnh giảm kế hoạch khai thác dầu năm 2017, ngành than gặp khó khăn do cạnh tranh về giá và chưa thống nhất được giá bán than.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đang trong giai đoạn tái cơ cấu, cùng với sự suy giảm nhu cầu đối với hàng công nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh bất ổn gia tăng và xu hướng bảo hộ ở nhiều thị trường…

Xuất khẩu trên danh nghĩa tăng cao, song thực tế, nhập khẩu còn tăng mạnh hơn nhiều

Trên cơ sở đó, Báo cáo chỉ ra rằng, khả năng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% là rất khó khăn nếu không cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng trong các quý tiếp theo.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng Ban Kinh tế vĩ mô (CIEM) cho rằng, yếu tố tác động do suy giảm ở khu vực khai khoáng và nhập siêu chỉ là nguyên nhân cơ học, còn vấn đề thực chất chính là hàm lượng giá trị gia tăng từ hoạt động kinh tế đang có xu hướng giảm.

“Xuất khẩu trên danh nghĩa tăng cao, song thực tế, nhập khẩu còn tăng mạnh hơn nhiều, đạt gần 30% để đáp ứng sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu, trong khi hàng Việt Nam lại kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Nhìn tổng thể nền kinh tế cho thấy, hàm lượng giá trị gia tăng đang trong xu hướng giảm…”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, còn nhiều yếu tố khác gây tác động, dẫn tới mức tăng trưởng thấp như: thu hút vốn FDI tuy tăng mạnh, song vốn giải ngân vẫn chậm; hiệu quả tăng trưởng thấp do động lực cho tăng trưởng từ cải cách thể chế giai đoạn 2014-2015 chưa được duy trì; hiệu quả cải cách chưa đạt kỳ vọng do việc thực thiện tại các bộ, ngành và địa phương vẫn mang tính quy trình, thậm chí là còn chồng lấn, đối chọi nhau; đầu tư từ khu vực Nhà nước tăng chậm do nguồn lực hạn chế vì nợ công, chi thường xuyên cao, hạn chế bảo lãnh…

Đặc biệt, ông Dương cho biết, diễn biễn lãi suất và tỷ giá trên thị trường thế giới có nhiều bất định khiến việc điều hành tỷ giá khó khăn hơn.

“Sự bất định khiến việc điều hành tỷ giá để giảm mức độ truyền tải của giá thế giới vào giá trong nước trở nên khó khăn, từ đó ảnh hưởng tới vai trò của cơ chế tỷ giá trung tâm, không giúp làm giảm sức ép do giá thế giới tăng đối với nền kinh tế Việt Nam”, ông Dương phân tích.

Từ các vấn đề trên, CIEM dự báo, tăng trưởng kinh tế quý II ước khoảng 5,61%; tăng trưởng xuất khẩu là 9,24%; thâm hụt thương mại là 1,13 tỷ USD do cầu đầu tư và nhập khẩu tiếp tục tăng; mức tăng giá tiêu dùng khoảng 0,86%; tỷ giá có khả năng sẽ ổn định trong quý II và quý III...

Để đạt được các mục tiêu đề ra và tạo đà cho nền kinh tế có thể bứt phá trong các quý tới, CIEM đưa ra một số giải pháp, đặc biệt trong đó là tiếp tục tập trung triển khai ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất-kinh doanh phù hợp với Nghị quyết 19, đồng thời hoàn thiện, ban hành và kịp thời hướng dẫn cho các luật như Luật Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch…

Về chính sách tiền tệ và tài khóa, CIEM cho rằng, cần tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và cải thiện chất lượng nợ xấu, chủ động giám sát, hạn chế mức độ tham gia của các ngân hàng thương mại vào đấu thầu trái phiếu chính phủ; đồng thời cần linh hoạt trong điều hành thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, phát hành trái phiếu chính phủ; phòng ngừa và ứng phó với biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp, nhất là quanh thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cân nhắc điều chỉnh lãi suất.

Đáng chú ý, CIEM đề xuất, cần nghiên cứu, cân nhắc hạn chế tín dụng cho khu vực bất động sản, cũng như giám sát chặt chẽ, thông tin định kỳ về tín dụng đã cấp cho các dự án bất động sản để đảm bảo giám sát chặt chẽ dòng vốn tín dụng đổ vào khu vực này. Cũng theo CIEM, không nên tăng các loại thuế và phí đối với xăng dầu trong thời điểm này để tạo thêm lợi ích và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của khu vực tư nhân.

Tin bài liên quan