Tăng trưởng kinh tế phải coi trọng căn cơ phát triển thị trường trong nước

Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) tại phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/5, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, muốn tăng trưởng kinh tế phải có các giải pháp căn cơ phát triển thị trường trong nước mới dần tránh được các đợt "giải cứu" dưa hấu, thịt heo... như vừa rồi.

Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) 4 tháng đầu năm và dự báo 8 tháng cuối năm tại Phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, ông Vũ Hồng Thanh nhận định, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cũng nhận định, tình hình KTXH trong nước trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép.

Tăng trưởng kinh tế phải coi trọng căn cơ phát triển thị trường trong nước ảnh 1

“Thị trường hàng hoá sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh trên vật nuôi đang có nguy cơ bùng phát; giá cả nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có xu hướng tăng ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước; giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường; lương cơ bản điều chỉnh tăng... sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017”, ông Dũng nêu hàng loạt yếu tố.

“GDP quý I/2017 ước tính tăng 5,1% - là mức tăng trưởng thấp nhất so với nhiều quý gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện”, ông Thanh dự báo.

Ngay cả muốn đạt được tốc độ tăng trưởng 6,3-6,5%, theo ông Thanh, ngoài thực hiện một loạt giải pháp đã đề ra như điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp; chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác đầu tư xây dựng cơ bản, có biện pháp đột phá đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư...  phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Ông Dũng cho biết, việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu (trong 4 tháng đầu năm ngành công nghiệp khai khoáng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2016), cũng là một trong những giải pháp đã được Chính phủ tính đến nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Coi trọng thị trường trong nước

Một trong những điểm sáng nhất trong 4 tháng đầu năm 2017 là kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% - là mức tăng rất cao so với các năm gần đây. Vì thế, cho ý kiến vào Báo cáo tình hình KTXH năm 2017 tại Phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến lo ngại đến tình hình nhập siêu, bởi hiện tỷ lệ nhập siêu 4 tháng đã tương đương 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao (4%).

“Cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, giữ mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội”, ông Thanh kiến nghị.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7% các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện.

Theo ông Thanh, Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng bảo đảm bền vững. Cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách...

Ổn định kinh tế vĩ mô, theo ông Mai Tiến Dũng, là yêu cầu tiên quyết để vừa giải quyết mục tiêu ngắn hạn là thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2017, vừa đảm bảo mục tiêu dài hạn là phát triển bền vững, cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, cần phải nghiên cứu hết sức cẩn trọng trong việc đẩy mạnh khai thác dầu thô, cho dù vì việc này mà tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đặt ra và ảnh hưởng tới cân đối ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: “Thu ngân sách từ dầu thô chỉ chiếm 3,3% tổng thu ngân sách nhà nước, vậy có nên đặt vấn đề tăng sản lượng khai thác dầu thô để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách hay không”.

Theo ông Giàu, muốn tăng trưởng bền vững phải thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa vào nền tảng của khu vực kinh tế tư nhân.

“Năm 2016 có trên 110.100 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có tới 90.000 doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó có khoảng 70.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản. Điều này cho thấy không khí kinh doanh rất sôi động, môi trường đầu tư, kinh doanh đã thông thoáng, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn hết sức khó khăn, cần phải tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp hơn nữa thì kinh tế mới tăng trưởng cao, ngân sách mới tăng thu”, ông Giàu kiến nghị.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã và đang thực sự nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tăng trưởng kinh tế vấn thấp có nguyên nhân là chưa thực sự quan tâm tới thị trường trong nước.

Dẫn chứng việc “giải cứu” thịt heo hiện nay và dưa hấu, hành tím trước đây, ông Tỵ cho rằng, nguyên nhân chính là chưa thực sự quan tâm đến thị trường trong nước khiến người sản xuất và người tiêu dùng bị thiệt hại, trong khi đó, phần lớn lợi ích thuộc về khâu trung gian. Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, muốn tăng trưởng kinh tế phải có các giải pháp căn cơ phát triển thị trường trong nước.

Cũng hướng tới việc khai thác thị trường trong nước, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng cũng có nhiều dư địa để tăng trưởng kinh tế, trong đó nổi lên là hoạt động du lịch.

“Chúng ta đón 10 triệu khách du lịch là điều đáng khích lệ, nhưng nhìn vào thực tế chúng ta có 93 triệu dân, nhiều danh lam thắng cảnh mà chỉ đón được 10 triệu khách, thậm chí không bằng những nước có dân số ít hơn chúng ta rất nhiều. Lĩnh vực du lịch có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng mạnh hơn, sẽ đóng góp vào ngân sách nhiều hơn và là đầu kéo cho hàng loạt lĩnh vực dịch vụ khác tăng trưởng theo, sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế và tăng thu cho ngân sách nhà nước”, bà Phóng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan