Chi phí kinh doanh đang ở mức cao, tăng thuế sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Chi phí kinh doanh đang ở mức cao, tăng thuế sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp

Tăng thuế, tăng nỗi lo của doanh nghiệp

(ĐTCK) Việc sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp không hợp lý có thể dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp không có lãi, thậm chí bị lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế.

Tại Hội thảo Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, vấn đề đánh giá tác động toàn diện và thấu đáo của việc sửa đổi này tiếp tục được các chuyên gia và các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp quan tâm đặt ra. Bởi lẽ, 5 luật thuế được đề xuất sửa đổi cùng lúc lần này đều là những luật thuế đặc biệt quan trọng, có tác động và phạm vi ảnh hưởng lớn tới toàn xã hội và nền kinh tế, ảnh hưởng cả trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ sở và mục tiêu tăng thuế cần được xem xét tính toán một cách thấu đáo trong tương quan tổng thể thống nhất và có tính tới các chi phí kinh doanh khác của doanh nghiệp, để đảm bảo tăng thuế nhưng tránh tác động làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài các nghĩa vụ thuế phải đóng góp, doanh nghiệp còn chịu gánh nặng nhiều chi phí khác, chưa kể các chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất điều chỉnh chính sách thuế, phí vẫn chưa nhìn tổng thể, mà bóc tách riêng để đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ của ngành mình.

Do đó, nếu tính gộp lại, trong bối cảnh chi phí kinh doanh của doanh nghiệp đang còn ở mức cao, việc tăng đồng loạt nhiều mức thuế phải nộp sẽ góp phần gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và toàn xã hội.

Phân tích tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, sắc thuế này là loại thuế gián thu, đánh vào người tiêu thụ, đặc biệt là người tiêu dùng cuối cùng nên tác động tới hầu hết người dân và các thành phần trong nền kinh tế.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, tuy không trực tiếp chịu tác động từ tăng thuế, song vẫn ảnh hưởng lớn từ việc bị tăng chi phí, giảm nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng tới doanh thu và lợi nhuận trực tiếp, từ đó ảnh hướng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh dài hạn.

Đối với việc sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật sư Đức tỏ ra băn khoăn về khả năng những quy định sửa đổi không hợp lý sẽ dẫn tới tình trang nhiều doanh nghiệp không có lãi, thậm chí bị lỗ, nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Việc khống chế chi phí được khấu trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với các khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) là không hợp lý, nếu như đó là chi phí cần thiết, hợp lý. Luật thuế không nên làm thay chức năng của các luật khác nhằm bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng, tỷ lệ an toàn tài chính cho doanh  nghiệp”, Luật sư Đức nói và cho rằng, cần loại bỏ các quy định loại trừ các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ, thực tế nói chung và chi phí trả lãi tiền vay nói riêng.

Đại diện Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo cho rằng, việc tăng thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới sẽ tạo thêm nhiều áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

“Hiện tại, mức thu nhập bình quân của người dân còn thấp so với đa số các nước trong khu vực và trên thế giới. Gánh nặng tăng thuế giá trị gia tăng sẽ tác động làm giảm nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân, ảnh hưởng tiêu cực tới sự tăng trưởng và phát triển sản xuất của doanh nghiệp, từ đó kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế”, vị đại diện Núi Pháo nói và cho rằng, Bộ Tài chính cần cân nhắc sự phù hợp giữa thu nhập bình quân của người dân Việt nam với nền kinh tế chung của khu vực, chưa nên tăng thuế giá trị gia tăng để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bám trụ thị trường và có cơ hội phát triển.

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (US-ABC) nhận định, dự thảo Luật sửa đổi 5 Luật thuế hiện tại nếu được thông qua sẽ có ảnh hưởng lớn đến các công ty nước giải khát. Cụ thể, các doanh nghiệp này sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng và bổ sung bao gồm thuế giá trị gia tăng tăng từ 10% lên 12%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, mức thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

Theo tính toán của US-ABC, với các tác động từ điều chỉnh các mức thuế, đối với thị trường giá các sản phẩm nước giải khát sẽ tăng ít nhất 12%, ảnh hưởng đến doanh số tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng cho đường.

Tất cả các yếu tố này sẽ gây ra những hệ luỵ như tăng giá thành sản phẩm, giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm, dẫn tới giảm quy mô sản xuất, giảm lao động, kéo theo sự tác động lan tỏa tới hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể, vốn là đối tác, đại lý trong hệ thống phân phối dày đặc, nhiều tầng nấc của ngành nước giải khát.

Tin bài liên quan