Tăng sức mạnh giao dịch liên kết để nâng cao hiệu quả thu hút FDI

Tăng sức mạnh giao dịch liên kết để nâng cao hiệu quả thu hút FDI

(ĐTCK) Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành và  các cơ quan chức năng xây dựng chính sách thu hút FDI mới nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có chọn lọc, có công nghệ cao hơn trong thời gian tới.

Tại hội thảo chuyên đề “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: thực trạng và giải pháp” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Deloitte Việt Nam tổ chức sáng 10/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, sau 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về số vốn đăng ký, vốn giải ngân.

Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, thể hiện qua đóng góp xã hội, nộp ngân sách nhà nước, tạo giá trị gia tăng. FDI là tiền đề quan trọng mở rộng quan hệ quốc tế, giúp Việt Nam nhận chuyển giao kỹ năng quản lý.

Tuy nhiên, việc thu hút FDI còn nhiều hạn chế, như chủ yếu gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, chưa tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước.

Trên cơ sở đánh giá và rút ra bài học từ những hạn chế này, ông Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành và  các cơ quan chức năng xây dựng chính sách thu hút FDI mới nhằm thu hút nhiều dự án đầu tư có chọn lọc, có công nghệ cao hơn trong thời gian tới.

Nhận định về các ưu đãi đầu tư, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ưu đãi đầu tư tập trung vào các chính sách thuế, các ngành nghề, địa bàn, các thủ tục cấp phép đầu tư thuận lợi, là một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự nỗ lực trong công tác quản lý thuế, quản lý các giao dịch liên kết của Chính phủ Việt Nam, nhiều chính sách mới đã được ban hành và có những tác động tích cực nhất định đến hoạt động đầu tư của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 đã đạt được nhiều kết quả khả quan như chính sách thuế không có sự phân biệt, đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, bình đẳng về nghĩa vụ thuế cho tất cả các nhà đầu tư; tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng và một bước tiến quan trọng chung cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Bà Thủy khẳng định, Chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục thay đổi nhiều thể chế, chính sách theo hướng tích cực và minh bạch nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực.

Đánh giá về lộ trình thay đổi ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế, phụ trách dịch vụ thuế doanh nghiệp và hải quan của Deloitte Việt Nam cho biết, ưu điểm của lộ trình này là các chính sách về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang khá thuận lợi cho doanh nghiệp, mặt bằng thuế suất của Việt Nam khá thấp so với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, hiện tại, các chính sách ưu đãi về thuế đang nghiêng về hướng địa bàn ưu đãi (thuận lợi, dễ dàng hơn) hơn là theo hướng lĩnh vực. Việc áp dụng theo lĩnh vực còn nhiều khó khăn về thủ tục.

Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao chưa có ưu đãi hợp lý. Các mức chính sách thuế còn khá cứng nhắc và nhiều trường hợp, các nhà đầu tư không tận dụng được ưu đãi thuế nên giám sức hút đầu tư.

Liên quan đến hoạt động giao dịch liên kết, ông Thomas McClelland, Chủ tịch Tiểu ban thuế và chuyển giá Phòng Thương mại và công nghiệp Châu Âu (EuroCham), Tổng giám đốc Công ty Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho biết, hiện nay, giao dịch giữa các bên liên kết là một phần không thể thiếu trong thương mại toàn cầu.

Điều này dẫn tới quá trình cân bằng lợi nhuận mang tính quốc tế thông qua những khuyến nghị trong chương trình chống “xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận” của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), mà các quy định ban hành gần đây về giá chuyển nhượng của Việt Nam (ví dụ như Nghị định 20) về cơ bản là nhất quán với thông lệ quốc tế.

“Tuy nhiên, có một số khác biệt trong quy định ở Việt Nam dường như nghiêm ngặt hơn, như khống chế chi phí lãi vay được trừ, hay một số nội dung khác cần làm rõ. Nếu có một số thỏa thuận trước về giá được chấp thuận thì sẽ tạo nên tính tích cực cho môi trường đầu tư, đồng thời, sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế cũng như Chính phủ để đạt được sự chắc chắn của các khoản nợ thuế”, ông Thomas McClelland khuyến nghị.

Để nâng cao hiệu quả từ thu hút đầu tư, bà Thủy kiến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế như cần ban hành chính sách mới, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc, các cam kết mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với các tổ chức quốc tế… Đồng thời, cần đảm bảo đúng mục tiêu công bằng và không có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước.

Ở góc nhìn của địa phương, ông Lê Duy Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, ngoài các chính sách ưu đãi đầu tư, để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ vào lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, giá thuê hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… tập trung ưu tiên thu hút đầu tư một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, ít gây ô nhiễm môi trường...

Tin bài liên quan