Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Vinacomin, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Vinacomin, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tái cơ cấu phải xuất phát từ thực tế doanh nghiệp

Một trong những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII vừa bế mạc là đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. “Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước song song với cổ phần hóa, thoái vốn, nhưng phải xuất phát từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Vinacomin, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.      

Ông có nghĩ rằng, tiến trình cổ phần hóa đang có dấu hiệu giảm tốc độ?

Theo tôi được biết, trong 9 tháng đầu năm nay, mới có 49 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị thực tế là 31.938 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 23.289 tỷ đồng. Cũng trong khoảng thời gian này, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn được 3.202 tỷ đồng, thu về 6.268 tỷ đồng.

Có lẽ không cần phải bàn nhiều về số liệu kể trên. Nguyên nhân có lẽ các bộ, ngành, địa phương đang chờ Thủ tướng ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước mới thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg. Tiêu chí mới quy định rõ lĩnh vực cụ thể nào Nhà nước nắm giữ 100%, lĩnh vực nào nắm giữ trên 50% để ổn định, giữ vững và dẫn dắt nền kinh tế; tất cả các lĩnh vực còn lại sẽ thoái vốn hết. Khi có tiêu chí mới rõ ràng, minh bạch, hy vọng tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn sẽ được đẩy mạnh. 

Theo ông, lĩnh vực năng lượng, tài nguyên, khoáng sản, Nhà nước có nên giữ lại không?

Quốc gia nào cũng phải bảo đảm an ninh năng lượng, không thể để cho khu vực tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm chủ nguồn năng lượng điện, than, xăng dầu… Khi thành phần kinh tế khác làm chủ nguồn năng lượng, nếu việc khai thác, nhập khẩu bị lỗ, thì họ không khai thác, nhập khẩu nữa và cũng chẳng có cách gì bắt họ phải tiếp tục khai thác, nhập khẩu. Lúc đó, ngay lập tức hoạt động sản xuất, kinh doanh bị tê liệt; đời sống, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn; hoạt động xã hội bị xáo trộn; nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái, thậm chí khủng hoảng.

Còn khi Nhà nước vẫn làm chủ được nguồn năng lượng, trong trường hợp khai thác, nhập khẩu kể cả không có lãi, thậm chí bị lỗ, thì vẫn phải thực hiện để bảo đảm an ninh năng lượng, duy trì sự hoạt động bình thường của cả nền kinh tế, sinh hoạt của người dân cũng như cả xã hội.

Nói như vậy thì Nhà nước phải giữ 100% vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng?

Cần phân biệt tài nguyên, khoáng sản và việc khai thác tài nguyên, khoáng sản. Không tư nhân hóa, cổ phần hóa hầm mỏ hay các loại tài nguyên thiên nhiên khác, vì đây là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, nhưng việc khai thác có thể cổ phần hóa. Vấn đề là cổ phần hóa thế nào, Nhà nước giữ bao nhiêu phần trăm vốn để nắm phần quyết định, chủ động trong việc khai thác bảo đảm hiệu quả cao nhất, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt và lâu dài thì cần phải tính.

Thực tế cho thấy, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Vậy tại sao, ngoài lĩnh vực Nhà nước giữ 100% vốn, số còn lại không cổ phần hóa toàn bộ, thưa ông?

Giả sử cổ phần hóa toàn bộ phần khai thác tài nguyên, khoáng sản cho thành phần kinh tế khác, thì khi có lãi, họ khai thác hết công suất, khi bị lỗ, họ lại đóng cửa mỏ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, không bảo đảm được an ninh năng lượng, mà đến cả đời sống của hàng chục ngàn người dân làm việc tại lĩnh vực này. Và khi giá tài nguyên, khoáng sản phục hồi thì nền kinh tế lại phụ thuộc vào việc nhập khẩu.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung mà chỉ căn cứ vào tiêu chí doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của người lao động, ROA, ROE…, không căn cứ vào hiệu quả mà doanh nghiệp đem lại cho xã hội là chưa đầy đủ, phiến diện.

Đơn cử như năm nay, Nhà nước giao kế hoạch cho Vinacomin sản xuất 39 triệu tấn than, và theo kế hoạch thì nhập khẩu 1,5 triệu tấn than. Nhưng 9 tháng đã cho nhập về gần 10 triệu tấn than, nên than do Vinacomin khai thác bị tồn kho rất lớn, khiến 8 vạn thợ mỏ bị thiếu việc làm, tổng cộng có khoảng 400.000 người bị ảnh hưởng. Nếu chỉ căn cứ vào các chỉ tiêu nói trên mà đánh giá thì không công bằng, vì Vinacomin phải là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm đời sống cho công nhân khai thác than và gia đình họ.

Nhưng ngành than dứt khoát phải cổ phần hóa, thoái vốn, không có ngoại lệ?

Tôi khẳng định rằng, Vinacomin thực hiện đúng Quyết định 314/2013/QĐ-TTg về việc tái cơ cấu Vinacomin, tiến hành cổ phần hóa các đơn vị thành viên mà Vinacomin không giữ 100% vốn theo đúng quy định; thoái vốn tại những doanh nghiệp mà Vinacomin không được phép đầu tư. Tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đang diễn ra bình thường thì mới đây chúng tôi lại nhận được yêu cầu tăng tỷ lệ thoái vốn tại các đơn vị thành viên. Chỉ có điều yêu cầu, chỉ thị này không hề qua tham vấn ý kiến doanh nghiệp khiến tiến trình tái cơ cấu rất khó khăn.

Cổ phần hóa, thoái vốn là trụ cột của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Theo tôi, để tái cơ cấu thành công, đạt hiệu quả, các bộ, ngành cần tham vấn ý kiến doanh nghiệp khi xây dựng chính sách. Còn nếu cứ quyết định, yêu cầu, chỉ đạo mà không gắn với thực tế, thì tái cơ cấu cũng chỉ là hình thức.

Tin bài liên quan