Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn đang nằm chờ xử lý, dù thua lỗ kéo dài

Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn đang nằm chờ xử lý, dù thua lỗ kéo dài

Tách bạch quản lý vốn nhà nước: Lắm thách thức

(ĐTCK) Chính phủ liên tục chỉ đạo đẩy nhanh, nhưng tiến độ chuyển giao vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) thuộc diện chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn rất trì trệ.

Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia, cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là khẩn trương thành lập cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước để tách bạch vai trò quản lý vốn nhà nước tại các DN.

Tiến độ chuyển giao ngày càng trì trệ

Theo công bố của SCIC, đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 DN, với tổng vốn tiếp nhận theo giá sổ sách đạt hơn 9.900 tỷ đồng, còn theo giá thị trường là 15.000 tỷ đồng, bằng chưa đầy 1% tổng số vốn nhà nước tại các DN, trong đó hơn 80% DN hoạt động kém hiệu quả, số DN thuộc diện kiểm soát đặc biệt, thua lỗ chiếm gần 7%. Tuy nhiên, số DN tiếp nhận đang có xu hướng giảm dần qua các năm, nhất là từ năm 2009 đến nay.

"Quá trình chuyển giao chậm thể hiện chất lượng cải cách quá chậm. Sâu xa hơn, điều này thể hiện sự níu kéo lợi ích. Đây là vấn đề cần phải xem xét kỹ để tìm kiếm giải pháp hợp lý".

- TS. Nguyễn Đình Cung,

Viện trưởng CIEM.

Số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, từ năm 2013 đến nay, trong số 234 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có thỏa thuận chuyển giao vốn về SCIC, hiện chỉ có 61 DN chuyển vốn thành công.

Cũng theo báo cáo của CIEM, số vốn Nhà nước tại 173 DN chưa thực hiện chuyển giao vào khoảng 82.600 tỷ đồng. Trong đó, có 32 DN trực thuộc các Bộ, ban ngành trung ương, nhiều nhất là Bộ Công Thương với 8 DN, Bộ Giao thông vận tải với 5 DN, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có 5 DN, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch có 10 DN và Bộ Y tế có 4 DN. Các địa phương còn giữ 141 DN, trong đó TP.HCM giữ 50 DN, Gia Lai là 15 DN, Thừa Thiên Huế là 13 DN, Bình Định là 11 DN và Điện Biên là 7 DN. 

Trì hoãn bàn giao để níu kéo lợi ích nhóm?

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, mặc dù thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng nhiều Bộ, ngành và địa phương triển khai việc chuyển vốn về SCIC rất chậm, thậm chí còn trì hoãn, hoặc chỉ chuyển giao một số ít DN.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng các Bộ, UBND tỉnh/thành phố chậm phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần; chậm xử lý các tồn tại về tài chính trước cổ phần hóa, nên chưa đủ điều kiện chuyển giao vốn theo quy định.

Nhìn nhận về tình trạng này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, nguyên nhân chính của việc chậm trễ là do đơn vị quản lý muốn giữ DN lại để tự tiến hành bán vốn nhà nước, nhất là với DN đã cổ phần hóa. Thậm chí, để đối phó, trì hoãn việc chuyển giao, một số địa phương thành lập tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con, hay “sáng tạo” cơ chế đặc thù để quản lý DN nhằm tránh phải chuyển về SCIC.

“Chẳng hạn, Hà Nội đã xây dựng chính sách tài chính đặc thù cho một số DN thuộc diện chuyển giao theo Luật Thủ đô để ‘ém’ việc chuyển giao các DN này về SCIC”, ông Hiếu nêu ví dụ.

Trong khi đó, quy phạm pháp luật về chế tài xử lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu còn chưa rõ ràng và đầy đủ, nên không tạo được áp lực để các bên liên quan thực hiện quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Quá trình chuyển giao chậm thể hiện chất lượng cải cách quá chậm. Sâu xa hơn, điều này thể hiện sự níu kéo lợi ích. Đây là vấn đề cần phải xem xét kỹ để tìm kiếm giải pháp hợp lý”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nêu vấn đề.  

Quy định đã lỗi thời

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng chậm trễ cũng được CIEM chỉ rõ, đó là do một số quy định pháp luật về tiêu chí xác định đối tượng chuyển giao chưa rõ ràng, làm cho SCIC và các Bộ, UBND tỉnh/thành phố chưa thống nhất về danh sách DN chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Trong khi đó, quy định pháp luật về trình tự, thủ tục chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước về SCIC còn một số điểm bất cập, không còn phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực DNNN trong giai đoạn mới.

“Điển hình là quy định về thời hạn chuyển giao phần vốn nhà nước tại DN, một mặt, còn chưa thống nhất giữa Nghị định 151/2013/NĐ-CP với các văn bản về cổ phần hóa, mặt khác phải phụ thuộc vào sự tích cực của các Bộ, ngành, địa phương trong quyết toán vốn nhà nước. Vì vậy, khi Bộ, ngành, địa phương chậm phê duyệt quyết toán vốn nhà nước tại thời điểm DN chính thức chuyển thành công ty cổ phần thì chưa thể chuyển giao DN”, ông Phan Đức Hiếu phân tích.

Ở góc độ là cơ quan thực hiện, đại diện Ban Đổi mới DN (Bộ Công thương) cho biết, việc chuyển giao bị chậm chủ yếu là do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Ví dụ, Tổng công ty Thép Việt Nam đã cổ phần hóa từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa quyết toán cổ phần hóa bởi với hơn 50 đơn vị thành viên, lại sở hữu nhiều tài sản là đất đai, nên gặp nhiều vướng mắc trong định giá tài sản và xử lý tài chính.

Hay dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 nằm trong 12 dự án thua lỗ kéo dài, hiện vẫn đang trong quá trình xử lý, chưa có giải pháp rõ ràng nên phải chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng theo vị đại diện này, Bộ Công thương còn chưa tìm ra cách xử lý đối với 5 đơn vị trực thuộc của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vì vướng quy định tại Nghị định 91/2015.

“Chúng tôi gặp vướng mắc do còn nhiều tồn tại khách quan trong quá trình xử lý tài chính tại một số tổng công ty và đơn vị thành viên. Một số phương án đã được Bộ Tài chính ủng hộ, nhưng Chính phủ chưa quyết. Chúng tôi mong muốn những bất cập sớm có hướng giải quyết để đảm bảo tiến độ bàn giao vốn theo chỉ đạo của Chính phủ”, đại diện Bộ Công thương chia sẻ.

Theo CIEM, cơ quan chức năng cần có quan điểm dứt khoát và đồng bộ để thúc đẩy tiến độ chuyển giao, trong đó gắn liền với trách nhiệm các cá nhân liên quan; đặc biệt tránh thất thoát vốn và thoái thác nghĩa vụ. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc sau khi tiếp nhận DN và vốn nhà nước thì SCIC sẽ đầu tư, kinh doanh thế nào để đảm bảo sử dụng hiệu quả vốn nhà nước.

Đại diện CIEM cũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có báo cáo phân tích thực trạng chuyển giao vốn nhà nước hiện nay trình Chính phủ, đồng thời đề xuất cách thức tiến hành, phân định rõ việc nào làm trước, việc nào làm sau, khi nào làm và thời hạn thực hiện rõ ràng để có phương án đẩy nhanh việc bàn giao, tránh tình trạng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chây ì. 

Thúc chuyển giao DN vì tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế

Tách bạch quản lý vốn nhà nước: Lắm thách thức ảnh 1

 Ông Nguyễn Đình Cung , Viện trưởng CIEM

Nếu vẫn cứ để cho các Bộ, ngành, địa phương vừa làm chính sách, vừa quản lý, vừa làm đại diện chủ sở hữu vốn tại DN như hiện nay thì việc chuyển giao sẽ còn chậm trễ.

Do đó, muốn đẩy nhanh cổ phần hóa, chuyển giao quyển sở hữu DN về SCIC thì phải nhanh chóng tách DN ra khỏi các Bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo, quy định nào vướng thì trình báo để sửa quy định đó. Thúc đẩy chuyển giao DN về SCIC, như Thủ tướng từng chỉ đạo, không phải vì SCIC, mà vì tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, vì tiến độ hoàn thiện kinh tế thị trường.

Chỉ đạo mà không làm thì cách chức người đứng đầu

Tách bạch quản lý vốn nhà nước: Lắm thách thức ảnh 2

 PGS.TS. Dương Đăng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp)

Chính phủ giao, nhưng Bộ và địa phương không làm, trước tiên là vì lợi ích của chính họ, phía sau là vì sân sau, lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, việc thiếu chế độ kỷ luật hành chính, không làm không phải chiụ trách nhiệm pháp lý cũng là lý do dẫn tới tình trạng trì trệ này. Đã đến lúc Chính phủ phải ra nghị quyết và yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố cam kết thực hiện. Nếu không làm thì cách chức người đứng đầu.

Cần sớm hình thành cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước

Tách bạch quản lý vốn nhà nước: Lắm thách thức ảnh 3

 Ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Tiếp tục cải cách, thực hiện quyền chủ sở hữu đối với DN cho tập trung, hiệu quả, kể cả thực hiện chuyển sang Công ty TNHH MTV hay cổ phần nên đặt trong bối cảnh hiện nay đang soạn thảo Đề án cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại DN.

Cần sớm hình thành cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước để tách bạch vai trò quản lý vốn và quản lý chuyên ngành, từ đó mới có thể thay đổi thể chế và cách làm theo hướng tích cực hơn, chứ không phải trì trệ như vừa qua. Có lẽ phải đợi tổ chức chuyên trách đó ra đời thì việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sau đó quan trọng hơn là quản lý DNNN, đầu tư vốn nhà nước mới có thể thực hiện được.

Tin bài liên quan