Sửa Luật Doanh nghiệp: Cân đong quyền lợi cổ đông

Sửa Luật Doanh nghiệp: Cân đong quyền lợi cổ đông

(ĐTCK) Việc bổ sung, sửa đổi Luật Doanh nghiệp đang được đưa ra lấy ý kiến. Các doanh nghiệp kỳ vọng, những "điểm nghẽn" gây khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh sẽ được tháo gỡ trong quá trình xây dựng dự luật. 

LS. Lê Văn Hà, đại diện Công ty Luật Pathlaw đã chỉ ra những bất cập của Luật Doanh nghiệp năm 2014 sau 4 năm triển khai thực hiện.

Chẳng hạn, về quản trị doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 chưa giải quyết được mối quan hệ giữa công ty và cổ đông/thành viên công ty, giữa các thành viên điều hành công ty như HĐQT, người đại diện theo pháp luật, kiểm soát viên và thành viên công ty, các cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số.

Thực tế, Luật Doanh nghiệp đã có quy định về quyền và nghĩa vụ của cổ đông/thành viên công ty và các thành viên điều hành. Tuy nhiên, theo ông Hà, Luật vẫn thiếu cơ chế đảm bảo thực thi các quyền của cổ đông/thành viên công ty, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông/thành viên công ty trong trường hợp có tranh chấp.

Cũng theo ông Hà, một số quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 đang “đè” lên quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, ví dụ như quy định về khởi kiện của cổ đông/thành viên công ty TNHH.

Hay như Điều 161 giới hạn về tỷ lệ tối thiểu cổ phần được tập hợp ở mức 1% để cổ đông hoặc nhóm cổ đông được khởi hiện các cơ cấu điều hành doanh nghiệp, đồng thời giới hạn các vấn đề được khởi kiện là không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về quyền được yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tố tụng dân sự đã được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trong khi đó, việc đẩy các tranh chấp sang tòa án giải quyết ngay khi xảy ra trong Luật Doanh nghiệp làm khuyết đi sự hỗ trợ và trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với các cổ đông/thành viên công ty, đặc biệt là cổ đông thiểu số, cũng như giữa cổ đông thiểu số với cổ đông lớn.

Từ thực tế đầu tư, ông Nguyễn Xuân Hồng, một nhà đầu tư cá nhân cho hay, các quy định về giới hạn cổ phần để cổ đông khởi kiện doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp đang gây nhiều bất cập, do một mặt bị lợi dụng bởi các thành viên Ban điều hành, mặt khác gián tiếp đẩy cổ đông thiểu số ra ngoài cuộc chơi.

Các quy định về giới hạn cổ phần để cổ đông khởi kiện doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp đang gây nhiều bất cập...   

“Khi thấy nội dung của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) vi phạm pháp luật hay không thực hiện đúng quy định của Luật, cổ đông hoặc nhóm cổ đông muốn khởi kiện phải có ít nhất 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo Điều 147 và 1% theo Điều 161 - Luật Doanh nghiệp là chưa phù hợp với thông lệ quản trị tiên tiến, chưa phù hợp với Điều 30 - Hiến pháp năm 2013, nhưng vẫn chưa được sửa đổi”, ông Hồng nêu dẫn chứng và cho rằng, những quy định này cần được nghiên cứu sửa đổi bởi đang tạo kẽ hở cho doanh nghiệp có thể lợi dụng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, quy định là nhằm bảo vệ cả 2 phía là quyền cổ đông và sự ổn định của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc tỷ lệ sở hữu cổ phần không thay đổi, vẫn là 10% trở lên như trong Luật Doanh nghiệp hiện nay (trừ trường hợp Điều lệ  công ty quy định khác) là chưa hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của cổ đông, nhất là các công ty đại chúng có quy mô lớn, có mức vốn hóa cao.

Theo đó, LS. Đức kiến nghị cần sửa theo hương giảm tỷ lệ sở hữu từ 10% xuống 5% để tăng sự bảo đảm quyền của cổ đông, đồng thời tương thích với quy định cổ đông lớn sở hữu từ 5% trở lên tại Luật Chứng khoán năm 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) và Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cũng liên quan vấn đề này, LS. Đức cho rằng, Khoản 10, Điều 2 - dự thảo Luật đã sửa đổi quyền của nhóm cổ đông được quy định tại Khoản 2, Điều 114 về “Quyền của cổ đông phổ thông” (tương tự là Khoản 1, Điều 161 về “Quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, Giám đốc, Tổng giám đốc”), với việc bỏ quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông phải sở hữu cổ phần “trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng” mới có một số quyền như đề cử người vào HĐQT, yêu cầu triệu tập họp ĐHCĐ.

Theo LS. Hà, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, luật thường quy định trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc tiến hành điều tra, buộc các thành viên điều hành doanh nghiệp giao nộp chứng cứ, tài liệu cho cổ đông/thành viên công ty nếu đủ căn cứ theo yêu cầu của cổ đông/thành viên công ty, hoặc vì lợi ích xã hội.

Vì vậy, LS. Hà đề xuất, bỏ các quy định trái với Bộ luật Tố tụng dân sự, đồng thời nghiên cứu áp dụng thủ tục điều tra doanh nghiệp theo yêu cầu của cổ đông/thành viên công ty nếu đủ căn cứ, hoặc vì lợi ích doanh nghiệp.              

Tin bài liên quan