Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ: Không là chuyện riêng của ngành giao thông

Sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ: Không là chuyện riêng của ngành giao thông

Đến thời điểm này, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang được Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh để có thể trình Quốc hội thông qua vào đầu năm 2020, thay vì quý IV/2020 như kế hoạch ban đầu.

Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 đang là yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách, bởi đây là bộ luật có tác động bậc nhất tới đời sống thường ngày của người dân, cũng như hoạt động của doanh nghiệp, nhưng trên thực tế đã bộc lộ nhiều hạn chế lớn.

Đó là nhiều đô thị chưa đảm bảo quy định về tỷ lệ phần trăm diện tích đất dành cho đường bộ. 

Đó là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ giao thông nông thôn đến giao thông đô thị, hệ thống quốc lộ và đường cao tốc phát triển mạnh, song chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, tính kết nối và sự đồng bộ chưa cao; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đó là tình trạng tai nạn giao thông đường bộ tuy có trong các năm qua, nhưng kết quả của việc hạn chế và giảm số vụ tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao…

Một trong những điểm rất đáng quan tâm nữa là tới nay, các chủ trương, định hướng lớn về phát triển giao thông đường bộ với đặc thù riêng chưa được thể hiện trong Luật Giao thông đường bộ 2008.

Chẳng hạn như việc xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, xã hội hóa dịch vụ công, đặc biệt là xã hội hóa dịch vụ hành chính công, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chưa có những quy định chi tiết.

Đây là những vấn đề rất cần được quy định trong Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo tính nguyên tắc và cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Đối với việc áp dụng, phát triển công nghệ phần mềm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải (Uber, Grab taxi), hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý để điều tiết các vấn đề liên quan như trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đối với Nhà nước, với người tiêu dùng khi tham gia chuỗi cung ứng các dịch vụ có liên quan đến hoạt động vận tải.

Cần phải nói thêm rằng, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 không chỉ là chuyện riêng của ngành giao thông, mà trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Trong đó, những ý kiến đóng góp từ thực tiễn của doanh nghiệp vận tải, của nhà đầu tư hạ tầng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Cơ hội sửa chữa Luật là không nhiều, nên càng cần chuẩn bị kỹ, tập trung trí tuệ, nhân lực để đạt được ít nhất 3 mục tiêu lớn.

Một là, phải bảo đảm kế thừa, tiếp tục phát triển và hoàn thiện những quy định pháp luật về giao thông vận tải đường bộ hiện còn phù hợp với thực tế và đã có tác động tích cực đối với sự phát triển của lĩnh vực giao thông - vận tải đường bộ, đồng thời xem xét sửa đổi, bổ sung những quy định đã phát sinh hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hai là, có khả năng dự báo, dự liệu, xây dựng khung pháp lý để quản lý phương tiện giao thông mới, thông minh; ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức giao thông, kinh doanh vận tải đường bộ; quản lý kết cấu hạ tầng, quản lý hoạt động vận tải….

Ba là, phải tạo được môi trường hoạt động thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, nhưng không dẫn tới sự tùy tiện, thiếu kiểm soát, khiến môi trường cạnh tranh trở nên thiếu lành mạnh.

Đặc biệt, Luật sửa đổi phải thực sự tạo cơ chế đột phá để thúc đẩy từng lĩnh vực giao thông phát triển, đồng thời phải có tính ổn định trong nhiều năm, chứ không thể vừa sửa xong đã nảy sinh bất cập.

Luật sửa đổi càng không thể tồn tại những quy định trở thành rào cản kìm hãm sự phát triển của giao thông đường bộ - loại hình vận tải cơ bản chắc chắn vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 30 - 50 năm tới.

Tin bài liên quan